(ĐN)- Ngày 18-12, đoàn giám sát của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh do ThS-BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật làm trưởng đoàn đã giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại Đồng Nai, nhất là tình hình dịch bệnh sởi.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hạnh Dung |
BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đến nay tổng số ca mắc sởi trong toàn tỉnh là 5,4 ngàn ca, 2 ca tử vong. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận ca mắc. Độ tuổi mắc nhiều nhất là trẻ từ 1-10 tuổi, chiếm 68,5%.
Đồng Nai đã tiếp nhận 113 ngàn liều vaccine sởi - rubella từ Bộ Y tế. Tỉnh đã tiêm 94 ngàn liều vaccine trong đợt 1 và đang tiếp tục triển khai tiêm bù, tiêm vét. Qua rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng, ngoài hơn 19 ngàn liều vaccine còn lại sau đợt 1, tỉnh Đồng Nai còn thiếu gần 15 ngàn liều vaccine sởi - rubella.
ThS-BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá công tác phòng chống dịch sởi tại Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Ông Lương Chấn Quang nhấn mạnh, để thực hiện thành công chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella, công tác rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng rất quan trọng. Các địa phương trong tỉnh Đồng Nai phải ưu tiên vấn đề này. Bên cạnh đó, cấp huyện cần phải đi kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.
Trong chiến dịch tiêm vaccine sởi lần 2, các đơn vị cần lưu ý những trẻ nào đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi rồi thì không tiêm nữa. Công tác rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng phải chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt ở các trường học, bằng mọi giá phải rà soát cho được đối tượng cần tiêm chủng.
Địa phương cần chú ý tiêm cho nhóm đối tượng trẻ nguy cơ cao (những trẻ đang bị bệnh nằm điều trị tại bệnh viện, trẻ có bệnh nền đang ở nhà chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine). Với những trẻ có bệnh nền mà trạm y tế không dám tiêm thì các bệnh viện tuyến huyện trở lên có trách nhiệm hỗ trợ tiêm. Những đối tượng này tổ chức tiêm chủng theo kế hoạch của tỉnh, thời gian có thể kéo dài hơn để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Nhóm nhân viên y tế cũng cần được tiêm đầy đủ vaccine sởi - rubella. Ngoài nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị, cần tiêm cho cả nhân viên y tế ở các trung tâm y tế huyện, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Đối tượng tiếp theo trong chiến dịch tiêm lần 2 của Bộ Y tế là trẻ từ 6-9 tháng tuổi.
“Do không đủ vaccine nên tỉnh cần ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao, những nơi có tỷ lệ tiêm thấp, những nơi có số ca mắc chưa nhiều vì những nơi này tỷ lệ miễn dịch chưa cao. Cần thực hiện thật tốt công tác điều tra cộng đồng về tiền sử tiêm chủng, khó mấy cũng phải làm để kéo giảm số ca mắc sởi. Bởi nếu không quyết liệt, số ca bệnh sẽ còn tăng cao” - ông Lương Chấn Quang nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa cho biết, Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn nhưng tình hình dịch sởi ở Đồng Nai hiện rất nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để khẩn trương khống chế dập dịch sởi, Đồng Nai mong Bộ Y tế xem xét, hướng dẫn về chiến lược, các hoạt động phòng chống dịch sởi trong giai đoạn bùng phát hiện nay, nếu chỉ tiêm bù, tiêm vét sẽ rất khó dập dịch. Bộ Y tế sớm có thông tin cụ thể về tình hình vaccine, phần nào Bộ Y tế cung cấp, phần nào địa phương mua, cách thực hiện mua vaccine sởi chống dịch. Đồng thời, mong Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cử đội chuyên gia hỗ trợ Đồng Nai chống dịch.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin