Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh

Hạnh Dung
19:51, 12/11/2024

Phương châm của Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) là “điện tới đâu viễn thông tới đó”. Tuy nhiên đến tháng 9-2024, theo ý kiến của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), cả nước vẫn còn 761 thôn bản chưa có sóng di động.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết, Bộ sẽ đôn đốc các nhà mạng phủ sóng ở những vùng này, chậm thì đầu quý I-2025, nhưng mục tiêu là triển khai trong năm 2024.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Ảnh: Quốc hội
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, trong số hơn 700 thôn bản chưa có sóng di động thì có hơn 100 thôn chưa có điện, 100 trạm không thuộc vùng đặc biệt khó khăn (thuộc trách nhiệm các nhà mạng phải phủ sóng), các trạm còn lại thuộc phạm vi hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích .

Với những trạm không có điện, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực để giải quyết và đề xuất giải pháp mới là sử dụng vệ tinh. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam để phủ sóng những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, hay khó triển khai. 

Với những trạm thuộc trách nhiệm của các nhà mạng, Bộ đã đôn đốc để các nhà mạng tích cực phủ sóng, mục tiêu đặt ra là trong năm 2024, chậm thì trong quý I-2025 sẽ hoàn thành.

Đối với các trạm thuộc phạm vi hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích sẽ phải thực hiện theo nghị định mới hướng dẫn thực hiện Luật Viễn thông. Để sử dụng được Quỹ này, Bộ TT-TT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11. Bộ trưởng Bộ TT-TT hứa tháng 6-2025 sẽ phủ sóng tất cả vùng lõm sóng. Nhưng mục tiêu là đến hết tháng 3-2025 sẽ hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng thông tin, đến nay 99,8% dân số Việt Nam đã được phủ sóng 4G, trong khi các nước phát triển con số này là 99,4%. Ông Hùng nhấn mạnh, khi có Covid-19, phải làm việc và học tập online mới phát hiện ra còn nhiều vùng "lõm sóng". 

“Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này. Bộ đang cố gắng hết sức để trong năm nay sẽ hoàn thiện được nghị định này. Nghị định này thông thoáng hơn rất nhiều để hỗ trợ hạ tầng phủ sóng. Khi nghị định ra đời, việc phủ sóng các vùng "lõm sóng" sẽ rất nhanh. Bộ rất cương quyết làm việc này, bởi không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà con” - ông Hùng cam kết.

150 trạm phát sóng chất lượng không đảm bảo

Đại biểu Quốc hội chú ý lắng nghe phần trả lời của Tư lệnh ngành TT-TT. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Quốc hội chú ý lắng nghe phần trả lời của Tư lệnh ngành TT-TT. Ảnh: Quốc hội

Trả lời đại biểu về tình trạng trạm phát sóng chất lượng không đảm bảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay toàn quốc có khoảng 150 ngàn trạm phát sóng và Bộ đã nắm được tình trạng đại biểu nêu.

Theo ông Hùng, Bộ đã có công cụ đo để đánh giá chất lượng phát sóng do Việt Nam tự xây dựng. Với công cụ này, người dân, chính quyền các cấp đều có thể đo được, Bộ TT-TT đã phân quyền này, trách nhiệm này cho các Sở TT-TT đánh giá mạng lưới ở địa bàn mình, nếu không đảm bảo tiêu chuẩn thì phải làm việc với các nhà mạng.

Ông Hùng cho biết Bộ TT-TT hàng quý tổng hợp toàn bộ số liệu đo được theo từng địa phương để công bố công khai cho người dân biết mạng nào tốt, mạng nào chất lượng. Đây là giải pháp tốt để tạo sự cạnh tranh cho các nhà mạng.

Hiện nay nước ta có 5 tuyến cáp quang biển, 2 tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền. Năm 2022, có thời điểm cả 5 tuyến cáp quang biển bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn đến dung lượng Internet. Quý I - 2025, Việt Nam sẽ đưa thêm 2 tuyến cáp quang biển vào khai thác. Bộ TT-TT đã ban hành chiến lược về cáp quang biển, đến năm 2030 sẽ tăng lên thành 15 tuyến cáp quang biển, dung lượng tăng 10 lần.

Tất cả người nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh nhưng việc tiếp cận băng thông rộng của người dân chưa nhiều và có sự chênh lệch vùng miền.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trước đây phủ sóng viễn thông và hiện nay là phủ sóng Internet nên có độ vênh giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với hộ gia đình nghèo, cận nghèo hay các hộ đặc biệt khó khăn.

Ông Hùng đưa ra giải pháp là “lõm đâu phủ đấy” để đảm bảo mọi người đều có sóng. “Chúng ta có đủ tiền, thậm chí thừa một tý, để có thể phủ sóng, giờ chỉ cần cơ chế thông thoáng thôi” - ông Hùng nói.

Bộ trưởng cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu để bà con thuộc nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh và sử dụng miễn phí.

Theo đó, Quỹ Viễn thông công ích có một khoản ngân sách khoảng 400 ngàn máy điện thoại. Bộ sẽ xin phép điều chỉnh quỹ này tăng lên để những gia đình nghèo, cận nghèo sẽ đều có điện thoại thông minh, với khoảng 1-1,2 triệu máy.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định bà con được dùng miễn phí. Đây là một chính sách mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam có, thuộc hàng “nhất thế giới”, vì các nước chỉ phủ sóng rồi để đó, ai có tiền thì dùng. Còn ở Việt Nam, với người nghèo, nhà nước hỗ trợ cả điện thoại và phí dùng là 65 ngàn đồng/máy/người.

Đối với tình thực tế không đồng bộ trong xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện nước, viễn thông dẫn đến tình trạng đào đường lên, lấp lại rồi lại đào, lại lấp, việc ai nấy làm gây lãng phí và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, Bộ trưởng Mạnh Hùng cho biết, việc ngầm hóa viễn thông phải phối hợp với ngành giao thông, điện nước, chiếu sáng. Hiện nay đã có thông tư hướng dẫn ngầm hóa quy hoạch, giao cho Sở TT-TT địa phương phối hợp với ngành liên quan lập kế hoạch để tránh việc "đào lên, hạ xuống".

Ông Hùng thừa nhận câu chuyện này diễn ra nhiều năm. Gần đây, Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, việc này đang chuyển biến nhưng chưa đạt được như mong muốn.

"Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác hạ ngầm viễn thông sẽ tiết kiệm chi phí, tránh phiền hà cho người dân, giảm chi phí"- Bộ trưởng cho hay.

Với vấn đề đơn vị viễn thông đặt quá nhiều trạm phát sóng BTS ở khu dân cư khiến các thiết bị điện tử của người dân bị hư hỏng. Ngoài ra, có dấu hiệu người già và trẻ em ở các khu dân cư này bị ảnh hưởng sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, riêng về viễn thông, các tiêu chuẩn về kỹ thuật là quốc tế hoá. Liên minh viễn thông thế giới ban hành tiêu chuẩn này, toàn thế giới và Việt Nam đều dùng chung tiêu chuẩn này. Quy định rất chặt chẽ.

“Có thể vẫn xảy ra những vấn đề. Có thể lắp đặt xong rồi nhưng lâu không kiểm định lại và bị nhiễu sóng, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Chúng tôi sẽ tổ chức đoàn vào tận nơi để kiểm tra, xác minh, đo đạc để tìm nguyên nhân, xử lý”- Bộ trưởng cam kết.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Mua máy phiên dịch chính hãng giá tốtDanh sách gói Gọi nội mạng Viettel Các gói 5G Viettel tháng tại 5gviettel.vn lắp mạng wifi Viettel Mua sim data tại muasim.vn Mua Samsung Galaxy Tab A9 Plus giảm sốc!