(ĐN)- Ngày 7-10, bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong tuần qua, trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành điều tra, xử lý và báo cáo ổ dịch cúm A/H5N1 trên hổ tại Khu du lịch Vườn Xoài, thành phố Biên Hòa.
Lực lượng chức năng tiêu hủy số con hổ được xác định chết do nhiễm cúm A/H5N1 ở Khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: CTV |
Theo bác sĩ Phúc, từ đầu năm 2024 đến nay, qua hệ thống giám sát các mẫu trên gia cầm và thông tin từ Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một vài con gia cầm bị bệnh cúm.
Còn việc ghi nhận cúm A/H5N1 trên đàn hổ tại Khu du lịch Vườn Xoài là trường hợp rất đặc biệt. Bởi lẽ, dòng virus cúm A/H5N1 chủ yếu ghi nhận trên nhóm vật chủ là gia cầm và các động vật lông vũ. Qua đó cho thấy tiềm ẩn nguy cơ khác thường của việc lây nhiễm cúm A/H5N1 trên các loài, không riêng gì các loài động vật lông vũ như trước đây mà còn ở động vật ăn thịt, con người.
Virus cúm gia cầm là virus cúm A/H5N1, bệnh có tỷ lệ tử vong trên đàn gia cầm cũng như con người rất cao, mầm bệnh có thể bùng phát và có thể lây sang người nên khi phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm, việc cần làm ngay là tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh.
Bệnh cúm gia cầm lây truyền từ động vật sang người qua những con đường sau: người tiếp xúc trực tiếp với con vật mắc bệnh, hít phải những hạt khí dung có chứa virus từ con vật nhiễm bệnh. Tay chạm vào các vật dụng, bề mặt có chứa virus, sau đó đưa lên mặt, mũi, miệng. Con người sử dụng nguồn thức ăn có chứa virus cúm A/H5N1.
Những người có nguy cơ cao nhiễm cúm gia cầm gồm: những người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm như người làm việc tại các trang trại gia cầm có nhiễm bệnh. Những người giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm nhiễm bệnh; người sử dụng thực phẩm gia cầm nhiễm bệnh…
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin