Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai thí điểm mô hình điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP do khách hàng chi trả một phần

Hạnh Dung - Kim Chi
17:12, 09/10/2024

(ĐN) - Ngày 9-10, đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự án USAID/PATH STEPS đã làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhằm trao đổi về việc thí điểm mô hình Điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP do khách hàng chi trả một phần. Mô hình này sẽ được triển khai tại 2 phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố Biên Hòa là Phòng khám Alo Care và Phòng khám Glink.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: K.C
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Chi

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bao gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm và cung cấp thuốc PrEP.

Dự án đã cung cấp dịch vụ PrEP cho khoảng 3 ngàn khách hàng. Trong đó, lượng khách hàng đến các phòng khám tư nhân chiếm 64%, với khoảng 90% khách hàng đến các phòng khám thuộc nhóm nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh phát hiện khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV/AIDS. Thành phố Biên Hòa là địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất với hơn 1,9 ngàn người, thấp nhất là huyện Cẩm Mỹ với 136 người.

Trong số đó có hơn 5,4 ngàn đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại 10 cơ sở điều trị trong tỉnh. Ngoài ra, có hơn 1 ngàn trường hợp đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Mathadone.

Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn so với đường máu. Người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa dần xuống 15-24 tuổi.

Thời gian tới, ngành y tế Đồng Nai tiếp tục triển khai các hoạt động của dự án. Tiếp tục duy trì và mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP, đặc biệt là khu vực y tế tư nhân, duy trì mô hình PrEP lưu động và Tele PrEP. Áp dụng các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP mới như: PrEP dạng tiêm, mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện tại các phòng khám PrEP, thí điểm chương trình PrEP trợ giá.

Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu về PrEP các dịch vụ HIV khác. Triển khai phù hợp mô hình cung cấp dịch vụ PrEP cho nhóm chuyển giới nữ trên địa bàn.

Hạnh Dung - Kim Chi

Tin xem nhiều