(ĐN)- Ngày 30-9, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự 15 bị cáo về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D, Chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung (gọi tắt Trung tâm Đăng kiểm 60-04D, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa).
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm |
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ gồm: Lương Minh Tú (33 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, nguyên giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 60-04D). Các đăng kiểm viên gồm: Lê Văn Lộc (45 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Đức Duy (33 tuổi, ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa); Nguyễn Thanh Hải (48 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức); Phan Hữu Lương (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh); Lê Khánh Phương (42 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom).
Đào Minh Hiển (39 tuổi, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa); Lê Sơn Tuyền (52 tuổi, ngụ quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); Phạm Phú Giáo (53 tuổi, ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa); các nhân viên tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D gồm: Nguyễn Quyết Nghĩa (42 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa); Trương Vĩnh Phát (65 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, nhân viên không ký hợp đồng của trung tâm); Nguyễn Minh Thông (31 tuổi, ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa).
Ngoài ra, còn có một số bị cáo khác cũng bị truy tố về tội đưa hối lộ gồm: Lê Tiến Trung (44 tuổi, ngụ phường Long Bình); Võ Chí Giang (40 tuổi, ngụ phường Long Bình); Nguyễn Duy Khang (47 tuổi, ngụ phường Tân Biên).
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, vào năm 2018, Trung tâm Đăng kiểm 60-04D, chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung có giấy phép hoạt động do Lương Minh Tú làm giám đốc.
Vào năm 2022, Tú đã bàn bạc, chỉ đạo các đăng kiêm viên: Lộc, Duy, Hải, Lương, Phương, Hiển, Tuyền, Giáo và Nghĩa nhận tiền của các chủ phương tiện xe ô tô để dùng các thủ thuật bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định để cấp giấy chứng nhận kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của Tú, các đăng kiểm viên đã phân công: Duy, Phương, Hiển, Lương luân phiên ghi lại biển số xe, số tiền các chủ phương tiện chi để được bỏ qua lỗi kỹ thuật. Sau đó, số tiền này sẽ được chia theo tỷ lệ do Tú quy định vào cuối ngày làm việc.
Ngoài ra, Tú còn chỉ đạo Phát gợi ý, nhận tiền của các chủ phương tiện xe ô tô vãng lai đến đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D. Sau đó, báo cho các đăng kiểm viên biết để bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm và chia số tiền nhận được theo tỷ lệ quy định.
Phát còn được Tú giao nhiệm vụ nhận tiền từ các đăng kiểm viên thay cho Tú đối với phần tiền Tú được chia do các đăng kiểm viên nhận từ các chủ phương tiện.
Nguyễn Minh Thông (nhân viên lắp đặt, sữa chữa định vị trên xe ô tô khách hàng tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D) được Tú, Lộc, Hiển chỉ đạo đến gặp chủ phương tiện lấy tiền mà các chủ phương tiện để trên xe để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau đó, Thông đưa số tiền trên cho Hiển, Duy, Lương và Phương để chia theo tỷ lệ do Tú quy định.
Với thủ đoạn như trên, trong năm 2022, các bị cáo đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng của các chủ phương tiện xe ô tô đến đăng kiểm để dùng các thủ thuật bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm |
Ngoài ra, trong năm 2022, Lộc, Nghĩa đã nhận tiền hối lộ từ các bị cáo khác cụ thể: Võ Chí Giang (nhân viên Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn) đã đưa gần 40 triệu đồng; Lê Tiến Trung (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang) đưa hơn 4 triệu đồng; Nguyễn Duy Khang (nhân viên Công ty TNHH Vận tải Hà Nguyễn) đưa hơn 10 triệu đồng để được bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D.
Dự kiến phiên tòa sẽ được xét xử trong 3 ngày (từ 30-9 đến 2-10).
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin