(ĐN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17-9-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Trong đó, nghị định này đã sửa đổi Điều 65 Nghị định số 138 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
UBND tỉnh tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức hành chính năm 2023. Ảnh:Thảo Lâm |
Theo đó, việc xem xét từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp: tự nguyện thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ sức khỏe, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% nhưng không quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của cấp có thẩm quyền; vì các lý do chính đáng khác.
Nghị định cũng quy định, không xem xét cho từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu thuộc một trong các trường hợp: đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước; đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Cũng theo nghị định, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Việc bố trí công tác đối với công chức xin từ chức sau khi bị kỷ luật thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Thảo Lâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin