(ĐN)- Đó là thông tin được đưa ra tại "Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - châu Âu" do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21-8 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Vương Thế |
Theo đó, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khuôn khổ hợp tác đầy đủ với châu Âu. Trải qua gần 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Châu Âu hiện là đối tác phát triển lớn nhất của Việt Nam; đối tác thương mại lớn thứ 5 và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong ASEAN và thứ 14 của châu Âu trên thế giới.
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về triển vọng và những thách thức mà doanh nghiệp nói chung, tại Đồng Nai nói riêng cần lưu ý |
Năm 2024, hoạt động thương mại song phương Việt Nam - châu Âu ghi nhận khởi đầu khả quan khi tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 32,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu tăng 15,4%, đạt gần 24,7 tỷ USD; nhập khẩu tăng 7,7%, đạt gần 7,7 tỷ USD. Xuất siêu từ Việt Nam sang châu Âu gần 17 tỷ USD, tăng 19,2% so với 6 tháng năm 2023.
Tuy đạt được các kết quả tăng trưởng khả quan song tiềm năng hợp tác giữa đôi bên đang rất lớn mà các doanh nghiệp mới khai thác được một phần nhỏ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều rào cản về thương mại, quy tắc sản xuất bền vững được châu Âu đưa ra mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm vững.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Vương Thế |
Tại diễn đàn, đại diện VCCI; Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam; Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); đại diện các hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp tiêu biểu đã trình bày về những khó khăn, vướng mắc, tình hình thực tế trong xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu, những kinh nghiệm từ doanh nghiệp.
Đồng thời nêu rõ yêu cầu bắt buộc của sự phát triển bền vững; những hạng mục mà Việt Nam và châu Âu có thể hợp tác nhằm đưa nền kinh tế phát triển xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới. Thông qua đó, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận giải pháp tháo gỡ và kiến nghị chính sách cho các cơ quan nhà nước.
Vương Thế
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin