(ĐN)- Ngày 10-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì cuộc họp nghe sở, ngành và địa phương báo cáo tình hình thực hiện các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Gia |
Theo báo cáo của Sở Công thương, giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai còn giữ lại trong quy hoạch 20 CCN. Đồng thời giai đoạn sau 2030 sẽ tiếp tục phát triển thêm 11 CCN, nâng tổng số cụm lên 31.
Đến nay, việc đầu tư hạ tầng các CCN giai đoạn hiện hữu đang rất chậm. Dù đã có những hoạt động để tháo gỡ nhưng tiến độ xây dựng hạ tầng cụm vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là việc giải phóng mặt bằng của một số cụm đã có nhà đầu tư triển khai dự án còn ách tắc. Một số cụm khác nằm trong quy hoạch vẫn chưa có chủ đầu tư xin đăng ký thực hiện.
Một số cụm có nhà đầu tư hoạt động từ trước khi thành lập cụm nên gặp vướng mắc trong vấn đề góp vốn xây dựng hạ tầng. Các hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải tại các cụm chưa được đầu tư đồng bộ….
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn được di dời vào khu, CCN là rất lớn song đến nay, việc đầu tư hạ tầng chưa có nhiều tiến triển.
Mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án di dời nhà máy vào khu, CCN. Chậm trễ trong phát triển CCN chính là chậm trễ trong việc thực hiện chủ trương lớn của địa phương.
Do đó, các địa phương phải phối hợp việc phát triển CCN với thực hiện đề án di dời nhà máy sản xuất. Lãnh đạo tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các địa phương, sở, ngành trên cơ sở nhiệm vụ của mình, rà soát lại mục tiêu phát triển cụm công nghiệp, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hạ tầng nội khu các CCN hiện hữu, hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư cụm…
Các địa phương rà soát lại vấn đề giao thông kết nối ra vào CCN để có thể đề xuất phương án hợp lý.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin