Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, xu hướng lây nhiễm HIV những năm gần đây đang thay đổi, lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu.
Lấy máu xét nghiệm cho người nghi ngờ nhiễm HIV tại CDC. Ảnh: Bích Nhàn |
Đáng lo ngại là HIV đang tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi, các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 80%.
Báo động lây nhiễm HIV trong nhóm LGBT
Sốt liên tục nhiều ngày kèm theo mệt mỏi, sút cân, tiêu chảy, nấm da… khiến cho D.T., học sinh lớp 11 (thành phố Long Khánh) kiệt sức. Như có “linh tính”, T. tìm đến Doanh nghiệp Xã hội và cộng đồng Xuân Hợp tư vấn. Qua test nhanh, T. dương tính với HIV. Ngay khi ấy, em khóc nấc và ngất lịm, không tin vào sự thật.
T. đồng tính nam và “người yêu” của T. lại là người song tính (thích cả nam, cả nữ) nhưng khi phát hiện nhiễm bệnh, em đã chia tay người yêu. Tất nhiên, những chuyện này T. đều giấu gia đình bởi T. là đứa con trai duy nhất trong nhà (T. có một chị gái).
“Tình trạng của T. lúc đó đang khá nặng, chuyển sang giai đoạn AIDS nên buộc chúng tôi phải liên hệ với gia đình, làm công tác tư tưởng để cứu em. Cùng lúc, biết con trai là đồng tính nam, lại bị nhiễm HIV, cả mẹ lẫn chị gái T. khóc rất nhiều, còn bố em thì ngất xỉu” - chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Doanh nghiệp Xã hội và cộng đồng Xuân Hợp kể lại.
Khoảng 1 tuần sau, tâm trạng của cả gia đình T. dần ổn định và bắt đầu chấp nhận sự thật thì “công cuộc” chạy chữa bắt đầu. Em phải nghỉ học 1 tháng để làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV và nằm viện chữa bệnh. May mắn, các triệu chứng trên đã ổn định nhưng em phải uống thuốc ARV (thuốc kháng HIV) hàng ngày và tiếp tục việc học.
“Suy sụp” là tâm trạng chung của bất cứ ai khi nhận kết quả nhiễm HIV và các bạn trẻ cũng không ngoại lệ, dù đã được tư vấn tâm lý trước khi nhận kết quả chính thức.
Từ T., các thành viên của Xuân Hợp tiếp tục tìm ra 2 người khác liên quan và cùng nhiễm HIV là T.Đ. và K.Đ. (ngụ huyện Cẩm Mỹ).
Chị Thanh đã liên hệ và tư vấn trước về khả năng nhiễm HIV cho cả 2 bạn trẻ khi các em mới đang học lớp 12. Sau đó, chị cùng các thành viên khác đã xuống tận Cẩm Mỹ gặp và test nhanh HIV với cả 2. Lúc này, Đ. đang có thêm bệnh sùi mào gà và dương tính với HIV.
“Cả 2 bạn trẻ đều hoang mang khi nhận tin, nhưng nghe chúng tôi tư vấn, các em đã chở nhau lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV và chữa sùi mào gà. Đ. giấu chuyện mình mắc bệnh vì sợ mẹ sốc. Khi ấy, mẹ Đ. đang mang bầu bé thứ 2 và sắp sinh” - chị Thanh chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, dịch bệnh HIV có xu hướng giảm, tuy nhiên những năm gần đây ở nước ta vẫn phát hiện trên 10 ngàn ca nhiễm mới mỗi năm.
Điều đáng lo ngại là việc lây truyền đang tập trung cao ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi từ 16-29, chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện.
HIV có xu hướng trẻ hóa
Bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, người có nhiều năm khám, tư vấn về HIV cho hay, HIV đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, đặc biệt là đồng tính nam.
Với các phương pháp chữa trị bằng thuốc kháng virus hiện đại, nhiều bệnh nhân có sức khỏe, làm việc, thậm chí là kết hôn và sinh con bình thường. Tuy nhiên, người mang HIV phải tuân thủ điều trị rất nghiêm ngặt và suốt đời.
“Đây chính là gánh nặng cho người nhiễm HIV bởi ngày nào cũng phải uống thuốc là điều rất khó, kể cả người trưởng thành. Ngoài ra, sự kỳ thị hiện vẫn còn và chính là “rào cản” trong công tác chữa trị. Từ đó, gây ra tình trạng bỏ trị của người nhiễm” - bác sĩ Phước cho hay.
Tư vấn cho người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV tại Phòng khám OPC, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn |
Bác sĩ Phước phân tích, HIV đang có xu hướng trẻ hóa do tình trạng trẻ dậy thì sớm hơn, tiếp cận với luồng văn hóa không lành mạnh sớm hơn và cởi mở hơn trong các mối quan hệ.
Bác sĩ Phước nhấn mạnh: “Nhờ thuốc kháng virus ARV, người nhiễm vẫn “chung sống” với virus này một cách bình thường. Nhưng thực tế, người bệnh vẫn có thể mắc các bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Về mặt xã hội, HIV có thể gây suy yếu giống nòi, đời sống”.
Có nên “vẽ đường cho hươu chạy”?
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 1-1 đến 26-6-2024, số ca dương tính phát hiện mới trên toàn tỉnh là 231 ca. Trong đó, nhiều ca ở độ tuổi còn rất trẻ.
Trong những năm qua, Đồng Nai có nhiều chương trình tư vấn giới tính học đường. Mỗi buổi nói chuyện chuyên đề thường thu hút lượng học sinh, sinh viên tham gia lắng nghe, chia sẻ đông, từ 500-700 em. Điều này cho thấy, nhu cầu tìm hiểu về giới tính, an toàn tình dục và biện pháp tránh thai là khá lớn.
Theo anh Mai Như Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội và cộng đồng Xuân Hợp (người có nhiều năm tiếp cận những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng) cho biết, con đường lây nhiễm HIV hiện khác trước rất nhiều. Nếu như trước đây, con đường lây truyền HIV chủ yếu là tiêm chích ma túy thì nay chủ yếu qua đường tình dục, đặc biệt là mối quan hệ đồng giới.
“Chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp đến tư vấn khi nghi ngờ bản thân bị nhiễm HIV từ bạn tình là người đồng giới, nhất là đồng tính nam (MSN). Đây là nhóm đối tượng cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS” - anh Sơn chia sẻ.
Sau nhiều lần tiếp xúc, tư vấn với các em học sinh, sinh viên, bác sĩ Phước thấy rằng, thực tế, sự hiểu biết về giới tính, an toàn tình dục ở lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn chưa theo kịp với sự phát triển về thể chất của các em.
“Nhiều người hỏi tôi rằng, liệu có “vẽ đường cho hươu chạy” khi nói về giáo dục giới tính cho các trẻ sớm hay không? Tôi nghĩ rằng, sự tò mò về giới tính vào lứa tuổi dậy thì là chắc chắn không tránh khỏi và không thể bỏ qua. Do đó, chúng ta làm sao để dẫn đường cho các em “chạy đúng”, hướng dẫn các em biện pháp phòng ngừa, tránh hệ lụy xấu là điều quan trọng và cần thiết” - bác sĩ Phước nhấn mạnh.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin