(ĐN)- Đây là khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn tại Hội thảo khoa học cập nhật tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị ký sinh trùng - côn trùng do Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa tổ chức.
Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan tặng hoa tri ân các chuyên gia tham gia hội thảo. Ảnh: B.Ngọc |
TS-BS Huỳnh Hồng Quang, Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn cho hay, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, có thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, người dân thường có thói quen ăn rau sống, gỏi…
Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng sinh sôi phát triển, đặc biệt là các nhóm bệnh lây từ động vật sang người như: ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng sán gan lợn, bệnh sán lá gan lớn. Thực tế cho thấy, số ca bệnh do ký sinh trùng đang gia tăng trên phạm vi cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Những ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau, phát triển bằng cách hút máu và các chất dinh dưỡng trong cơ thể người bệnh. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe như làm tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu, thậm chí là tử vong.
Chuyên gia khám bệnh ký sinh trùng cho người dân Đồng Nai tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: B.Ngọc |
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã có phòng khám Ký sinh trùng - côn trùng theo mô hình của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn. Qua đó, giúp người dân địa phương không phải đi xa để điều trị, giảm chi phí, thời gian, công sức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ, cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng; những khó khăn, thách thức trong điều trị những bệnh lý này; đặc điểm hình ảnh siêu âm tổn thương gan do sán lá gan lớn Fasciola spp.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin