Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài thi tốt nghiệp môn Ngữ văn được 400 cán bộ chấm trực tiếp theo quy trình nào?

Công Nghĩa
19:19, 01/07/2024

(ĐN)- Bài thi môn Ngữ văn là bài thi duy nhất làm theo hình thức tự luận nên cần tới trên 400 cán bộ chấm trực tiếp. Quy trình chấm khá phức tạp nhưng đảm bảo chặt chẽ, công bằng, khách quan, không gây thiệt thòi cho thí sinh.

Giám thị điểm danh và đối chiếu thông tin trước khi vào phòng thi bài Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa
Giám thị điểm danh và đối chiếu thông tin trước khi vào phòng thi bài Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

Theo đó, bài thi được giao cho cán bộ chấm thi bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên. Nếu quá trình chấm có kết quả lệch nhau giữa 2 cán bộ chấm từ 1,5 điểm trở lên sau 2 vòng chấm độc lập thì bài thi sẽ được chấm tiếp lần thứ 3.

Theo quy chế, mỗi ban chấm thi tự luận bài thi Ngữ văn có 2 tổ chấm độc lập. Trước khi giao các túi bài thi cho cán bộ chấm theo kết quả bốc thăm, các tổ sẽ chấm chung ít nhất 10 bài, sau đó bài thi mới được chấm 2 vòng bởi 2 cán bộ ở 2 tổ khác nhau.

Việc này nhằm giúp cho cán bộ chấm thi được "đều tay" hơn do có sự thống nhất chung về đáp án.

Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ kiểm tra từng bài thi, đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo những phần giấy trắng còn thừa. Với những bài thi thiếu số tờ, số phách, hay nghi vấn có đánh dấu thì cán bộ kiểm tra sẽ báo cáo và giao cho tổ trưởng, sau đó trình cán bộ phụ trách môn xử lý. 

Trong quá trình chấm, cán bộ chấm không được ghi ký hiệu gì lên bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, các nhận xét và điểm toàn bài được ghi trên phiếu chấm riêng.

Trong lần chấm thứ 2, việc giao các túi bài thi cho cán bộ nào chấm cũng được bốc thăm giống như lần thứ nhất. Tuy nhiên, ở lần chấm thứ 2 này cán bộ chấm sẽ ghi điểm vào cả bài làm của thí sinh lẫn phiếu chấm.

Bước cuối cùng, cán bộ phụ trách chỉ đạo các tổ thống nhất điểm. Nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình thống nhất điểm bài thi của thí sinh và đã được Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng phương án xử lý cụ thể, đồng thời hướng dẫn cho các Sở Giáo dục và đào tạo xử lý.

Theo đó, nếu kết quả chấm chênh lệch giữa 2 cán bộ chấm dưới 1 điểm thì 2 cán bộ chấm thi sẽ thảo luận để đi đến thống nhất một mức điểm cụ thể. Còn nếu chênh lệch điểm từ 1 đến 1,5 điểm, 2 cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi để thống nhất điểm.

Trong trường hợp cả 2 không thống nhất được thì trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng lập biên bản quyết định điểm bằng việc tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng màu mực khác. 

Kết quả hai trong 3 lần chấm giống nhau thì trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm thì trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức. 

Kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm thì trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng chấm chung trong tổ lập biên bản và thống nhất điểm chấm. 

Trong suốt quá trình chấm của cán bộ chấm thi, trưởng ban chấm thi sẽ thành lập tổ chấm kiểm tra, xem xét ít nhất 5% số bài đã được chấm.

Ngoài đáp án cố định, trong hướng dẫn chấm bài thi Ngữ văn luôn có phần mở. Phần mở này được áp dụng nếu thí sinh trả lời phương án khác nhưng vẫn đúng với định hướng, có tính phát hiện thì hội đồng chấm sẽ xem xét việc cho điểm.

Công Nghĩa

 
 
Từ khóa:

Ngữ văn

Tin xem nhiều