(ĐN)- Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 ca tử vong do chó dại cắn. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh dại từ đầu năm 2024 đến nay tại Đồng Nai.
Một em bé bị chó cắn được mẹ đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung |
Trường hợp tử vong là bà N.T.S., 69 tuổi, ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khoảng đầu tháng 5-2024, gia đình bà S. mua 1 con chó Fox lùn khoảng 8-10kg từ một người mua bán chó dạo, sinh sống trong khu vực huyện Định Quán. Gia đình nuôi nhốt chó trong cũi. Chó có biểu hiện hung dữ, cắn lồng cũi và chui ra ngoài. Vợ chồng bà S. nghĩ chó mới nuôi nhốt, chưa quen chủ, có biểu hiện trên là bình thường.
Trong quá trình chăm sóc, cho ăn và sửa chữa lồng cũi, bà S. và chồng bị chó cắn vào bàn tay. Do chủ quan về tình hình dịch bệnh dại tại địa phương nên cả 2 vợ chồng bà S. đều không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại cũng như huyết thanh kháng dại.
Ngày 27-6, bà S. có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chán ăn, bần thần dễ bị kích động. Ngày hôm sau, bệnh không giảm, người nhà đưa bà S. đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, được chẩn đoán rối loạn tâm thần.
Ngày 29-6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, được chẩn đoán rối loạn tri giác - nhiễm trùng chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân uống được ít nước, sợ gió, đến chiều tối cùng ngày có dấu hiệu nặng, sùi bọt mép, ngưng tim ngưng thở. Trưa ngày 4-7, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân đã tử vong do bệnh quá nặng.
Kết quả xét nghiệm mẫu nước bọt của bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus dại.
Hiện tại, ông P.V.T (chồng bà S) ghi nhận sức khỏe bình thường, chưa có triệu chứng như trên. Ông T. đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại vào chiều ngày 1-7.
Theo điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, trong gia đình ông T. còn nuôi 9 con chó, đã được tiêm phòng ngừa bệnh dại vào tháng 11-2023, hiện tại các con chó trên không có biểu hiện lạ.
TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sau khi ghi nhận 2 trường hợp bị chó dại cắn, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Định Quán, Trung tâm Y tế huyện Định Quán, Trạm y tế xã La Ngà điều tra sơ bộ 9 gia đình khu vực xung quanh khu vực nhà ông T., ghi nhận 6 hộ gia đình có 8 con chó đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại trong 6 tháng qua.
Lực lượng chức năng đã xử lý phun khử khuẩn theo quy định ổ dịch chó nghi dại; tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn/cào, tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó/mèo trong khu vực; vận động người dân khai báo với cơ quan Thú y trong khu vực khi chó, mèo có biểu hiện bất thường để lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại.
Do tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo ở khu vực ổ dịch rất thấp; công tác truyền thông tại địa phương chưa hiệu quả, ý thức của người dân còn lơ là về bệnh dại trên động vật nuôi truyền sang người. Do đó, cơ quan chức năng đánh giá ổ dịch dại tại xã La Ngà có yếu tố nguy cơ cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh điều tra và xử lý ổ dịch chó dại tại ấp Phú Quý 2, xã La Ngà và các nơi có liên quan.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, UBND huyện Định Quán, UBND xã La Ngà tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dại khẩn cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh; nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 18 ổ dịch chó dại tại 6 huyện, trong đó có 1 ca tử vong.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin