Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế Đồng Nai tăng trưởng 6,8% trong 6 tháng đầu năm 2024

Vương Thế
17:36, 28/06/2024

(ĐN)- Đó là thông tin được Cục Thống kê Đồng Nai đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024 được tổ chức ngày 28-6.

Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Vương Thế
Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Vương Thế

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 122,9 ngàn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu cả năm 2024 từ 6,5-7%).

Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 (4,01%). Trong đó, khu vực công nghiệp tăng hơn 6,1%, khu vực dịch vụ tăng hơn 8,1% so với cùng kỳ.

Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng hơn 9% và nhập khẩu đạt gần 8,3 tỷ USD, tăng hơn 7,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện hơn 57,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 11,3% so với cùng kỳ.

Đến ngày 20-6, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng gần 926,2 triệu USD, có 47 dự án với tổng vốn đăng ký 565,17 triệu USD và 54 dự án tăng vốn thêm gần 361 triệu USD. Toàn tỉnh cũng có hơn 2 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 15 ngàn tỷ đồng.

Trao đổi thông tin với báo chí, Cục trưởng Cục thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi khá rõ, đặc biệt là đầu quý II.

Nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau; do nhu cầu lao động cho sản xuất nên nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động với số lượng khá lớn.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất chủ lực như: chế biến gỗ, sản xuất điện tử, da dày, may mặc… đang có sự phục hồi dần.

Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp trên địa bàn nói riêng vẫn chưa hết khó khăn, một số doanh nghiệp đơn hàng chưa nhiều, chưa ổn định, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

Bên cạnh đó là những khó khăn nhất định về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo một số lĩnh vực sản xuất, thị trường tiêu thụ nguyên, vật liệu xây dựng giảm…

Vương Thế

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích