Tiếp tục chương trình đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) dự Kỳ họp thứ 7. Ảnh: CTV |
* Dự án triển khai sẽ tăng kết nối liên vùng
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng; tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết các tình huống cụ thể do chồng lấn quy hoạch khoáng sản với dự án.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang mong muốn sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sớm triển khai dự án, đáp ứng sự mong mỏi của đồng bào, cử tri, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Long phát biểu. Ảnh: CTV |
* Cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ đồng tình với Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu, đây là dự án rất quan trọng trong tổng thể các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với dự án này cần phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nếu có thể được thì nên bố trí theo phương thức là vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng rất cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu. “Qua triển khai thực hiện các dự án, chúng ta thấy rằng, trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ. Ví dụ như quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục thì vẫn theo luật bình thường, không có một cơ chế nào đặc biệt cả…” - đại biểu Nguyễn Công Long nói.
Thanh Hải (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin