Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch cần đi trên cả '2 chân' mới bền vững

Thanh Hải
18:56, 05/06/2024

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhận được nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Mediaquochoi
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Mediaquochoi

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, ĐBQH tỉnh Bình Định chất vấn, du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại. Hiện nay, Việt Nam mới có bộ nhận diện du lịch biển, đảo, song quy mô quốc gia chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.

Theo đại biểu, khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách. Đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu rõ quan điểm của mình về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đề xuất của đại biểu rất cần thiết, tuy nhiên khi rà soát cơ sở pháp lý để xây dựng bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam thì chưa có.

Bộ trưởng cho biết năm 2011, Chính phủ giao bộ lựa chọn quốc hoa. Khi đó, bộ đề xuất nhận diện hoa sen là quốc hoa, nhưng khi trình đề xuất này lên thì mới nhận ra chưa có quy định ai là người có thẩm quyền công nhận. Cuối cùng, không ai có thẩm quyền ký phê duyệt quốc hoa.

Bộ trưởng tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung “khoảng trống” về mặt pháp lý này, đồng thời có thể giao cho 1 bộ hoặc đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ để Chính phủ có thẩm quyền công nhận.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá ngành du lịch vừa qua rất nỗ lực thu hút khách du lịch thông qua việc miễn thị thực, cấp thị thực điện tử.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, lượng khách du lịch chưa như mong muốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch?

Cùng quan điểm, một số đại biểu cũng đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thể chế trong lĩnh vực du lịch đã khá đồng bộ. Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.

Theo bộ trưởng, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, cần giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Du lịch cần đi trên cả 2 chân - dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước.

Hiện, tỷ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỷ lệ này cần cân đối 50-50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững.

Thanh Hải

Tin xem nhiều