Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu Quốc hội đề nghị phải coi oxy y tế là thuốc thiết yếu

Thanh Hải
20:11, 18/06/2024

Các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề hiện có khoảng trống pháp lý về oxy y tế. Do đó, phải bổ sung nội dung oxy y tế vào dự thảo luật.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 18-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

* Quản lý oxy y tế

Theo đó, Dự thảo Luật Dược bổ sung “điều kiện lưu hành oxy y tế” vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung về điều kiện lưu hành đối với oxy y tế theo hướng quản lý chất lượng oxy y tế theo tiêu chuẩn làm thuốc sử dụng cho người (tiêu chuẩn dược dụng); đối với hệ thống trang thiết bị sản xuất (sản xuất trong công nghiệp hoặc trực tiếp từ máy móc, thiết bị làm giàu oxy tại giường bệnh), ghi nhãn hàng hóa, vật liệu, bao bì đóng gói, chứa đựng theo tiêu chuẩn thiết bị chuyên dụng trong ngành y tế.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa trái) dự phiên thảo luận. Ảnh: CTV

* Khoảng trống pháp lý về oxy y tế

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đặt vấn đề quản lý oxy y tế. Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải đề nghị phải bổ sung nội dung oxy y tế vào dự thảo luật.

Theo đại biểu, oxy y tế phải là thuốc thiết yếu. Bởi lẽ, tuy oxy rất sẵn có trong không khí ở xung quanh chúng ta; là nguyên tố hóa học phổ biến xếp hàng thứ 3 trong vũ trụ về mặt khối lượng; có tính chất đặc biệt không màu, không mùi, không vị, rất khó để nhận ra bằng mắt thường. Nhưng, không phải vì tính chất đại trà mà oxy không được xếp vào là thuốc.

Để có thể sử dụng oxy để điều trị bệnh thì oxy phải bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn, nồng độ, phù hợp với đặc điểm cơ thể người bệnh và một trong những yếu tố quyết định là phải theo đơn của bác sĩ.

“Các loại thuốc cảm cúm thông thường chúng ta vẫn mua ở hiệu thuốc còn không đòi hỏi phải kê đơn (như cảm xuyên hương, panadol, tiffy, decolgen…), đã được coi là thuốc, trong khi oxy y tế phải có chỉ định của bác sĩ mà lại chỉ “quản lý điều kiện sản xuất” là không phù hợp” - đại biểu Lê Hoàng Hải nói.

Hơn nữa, khí oxy y tế đã được đưa ra khỏi phạm vi quản lý của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Câu hỏi đặt ra là từ ngày 1-1-2022 đến nay, hơn 2,5 năm qua, thì oxy y tế được quản lý ở văn bản quy phạm pháp luật nào? Như vậy là có một khoảng trống pháp lý đối với loại thuốc thiết yếu trong suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục là khoảng trống pháp lý cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực thi hành.

Đại biểu đề nghị, riêng đối với nội dung liên quan đến oxy y tế được bổ sung vào Luật Dược thì cần có hiệu lực sớm hơn, có thể là 45 ngày kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được thông qua để đảm bảo rút ngắn thời gian bị trống về pháp lý đối với oxy y tế.

Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá, hiện không có văn bản pháp lý nào quy định quản lý khí y tế nói chung và oxy y tế nói riêng. Trong điều kiện bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng nếu xảy ra sự cố y khoa, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Ngoài oxy y tế, một số khí y tế khác như: carbon dioxide (CO2), nitơ (N2), nitơ monoxide (NO), dinitơ monoxide (N2O)... hiện chưa có có quy định quản lý.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị bổ sung quy định về kinh doanh thuốc bằng phương thức thương mại điện tử. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc mua bán trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra tràn lan, trong đó có cả dược phẩm.

Với việc mua bán online như hiện nay, người dân ngày càng ít mua - bán trực tiếp mà đã chuyển sang hình thức trực tuyến, nhận hàng thông qua các shipper. Tuy nhiên, đối với nội dung này, dường như cơ quan chủ trì soạn thảo còn lúng túng, quy định chủ yếu mang tính nguyên tắc nhưng cũng chưa bảo đảm chặt chẽ.

Thanh Hải (ghi)

 

Tin xem nhiều