Chiều 20-6, Tổ 6 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Hà Giang, Sóc Trăng tiến hành thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xoay quanh Dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (Tổ trưởng Tổ 6) điều hành phiên họp. Ảnh: CTV |
Tại khoản 19 dự thảo luật quy định về “khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản”, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “chế biến khoáng sản”.
Theo đại biểu, chế biến khoáng sản là công đoạn hoạt động sau khi đã khai thác và được định nghĩa riêng khoản 20, Điều 3. Trường hợp nếu gộp chung thì sẽ trùng lặp nội dung tại 2 khoản 19 và 20 của dự thảo luật.
Đồng thời, còn mâu thuẫn với điều 4, 5 và 6 quy định thuế tài nguyên xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, mà sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên là sản lượng và giá của khoáng sản nguyên khai tại mỏ, đã khai thác nhưng chưa qua chế biến.
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu ý kiến. Ảnh: CTV |
Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai.
Vì hiện nay trữ lượng cát sông chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng và đang gây ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng do khai thác lạm dụng. Cùng với đó, quy định trách nhiệm của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản.
Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh đã làm rõ thêm những ý kiến đã được các đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp. Đồng thời, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp mới để bổ sung dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, những ý kiến xây dựng luật của các đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan soạn thảo hoàn thiện để Luật Địa chất và khoáng sản sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.
Thanh Hải (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin