Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn giải pháp xây dựng chuỗi liên kết bền vững cho ngành sầu riêng

Bình Nguyên
14:44, 07/06/2024

(ĐN) - Ngày 7-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì Hội nghị phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng năm 2024 trên địa bàn Đồng Nai do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức.

Tham dự hội nghị có các địa phương, hợp tác xã, nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sầu riêng trong và ngoài tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, cây sầu riêng phát triển nhanh về diện tích, vươn lên thuộc tốp đầu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục đạt 2,1 tỷ USD, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2022. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đến 24 thị trường thế giới. Dự báo năm 2024, sầu riêng tiếp tục lập kỷ lục mới về xuất khẩu.

Sầu riêng cũng là cây trồng chủ lực của Đồng Nai với gần 12,7 ngàn hécta. Toàn tỉnh đã được cấp 41 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 1,9 ngàn hécta, sản lượng gần 49 ngàn tấn.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 34 vùng trồng đã nộp hồ sơ đang chờ phê duyệt mã số với diện tích 977 hécta. Trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở được cấp mã đóng gói xuất khẩu, 2 cơ sở đang chờ xem xét phê duyệt.

Đại biểu góp ý cho sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng tại hội nghị. Ảnh: B.Nguyên
Đại biểu góp ý cho sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng tại hội nghị. Ảnh: B.Nguyên

Nội dung của hội nghị tập trung bàn về các giải pháp phát triển cây sầu riêng bền vững từ khâu giống, quy trình canh tác an toàn đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói… đảm bảo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Trong đó, giải pháp xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến xuất khẩu sầu riêng có vai trò quan trọng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi khẳng định, việc tổ chức, phát triển ngành sầu riêng phải có sự đồng hành giữa các nhóm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội và các ngành chuyên môn cùng nhau tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.

Toàn tỉnh hiện có hơn 10% trên tổng diện tích trồng sầu riêng đã có mã số vùng trồng xuất khẩu. Khó khăn hiện nay, đa số diện tích sầu riêng vẫn chưa vào chuỗi với quá trình sản xuất, khâu chế biến, đóng gói… vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng chuỗi liên kết bị phá vỡ khi xảy ra biến động giá.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra đề xuất để phát triển nguồn giống chất lượng. Hiện sầu riêng đang mùa thu hoạch, cần quan tâm đến hoạt động xúc tiến, kết nối đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, yêu cầu nông dân, cơ sở đóng gói cần tuân thủ những yêu cầu thuộc trách nhiệm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, không để xảy ra vi phạm ảnh hưởng chung đến toàn ngành.

Các địa phương cũng cần quan tâm phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tổ chức các chuỗi liên kết, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, phá thị trường, phá chuỗi liên kết. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai có thể cạnh tranh tốt trên thị trường về cả giá bán và chất lượng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều