(ĐN) - Sáng 10-5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.
Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó bí thư Tthường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia |
Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết nêu rõ việc phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cũng báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…
Đến năm 2030, Việt nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp. Ảnh minh họa |
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Để Nghị quyết 41 nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện. Đặc biệt phải chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện những nội dung mà nghị quyết đã đề ra.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin