Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: C.T.V |
Trao cơ hội và động lực để doanh nghiệp yên tâm, vững tin phát triển
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đạt được của năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trên nhiều lĩnh vực là rất đáng trân trọng. Có được những kết quả trên là nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, huy động sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp và các địa phương.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đại biểu Trịnh Xuân An tán thành với nhiều giải pháp được Chính phủ nêu trong báo cáo cũng như ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đóng góp một số ý kiến góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Liên quan hoạt động của các doanh nghiệp, tán thành với rất nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó doanh nghiệp cần được quan tâm, bảo vệ và trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển. Và cần phải chú trọng đến các giải pháp: Tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp...
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần có giải pháp quyết liệt xử lý các bất cập trong lĩnh vực tài chính tín dụng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; trấn áp các hành vi côn đồ, băng nhóm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng một xã hội yên bình, hạnh phúc.
Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã có 57 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu phát biểu tranh luận. Quốc hội đã dành thời gian thích hợp để Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và 2 Phó thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các vị đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát cơ bản được kiểm soát… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo… tiếp tục được quan tâm. Kết quả những tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công… đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, các ĐBQH nêu những bất cập, hạn chế và đề nghị nhận diện rõ hơn những thách thức để có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024…
Qua tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024, các đại biểu đề nghị bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, có giải pháp để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển bền vững…
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, đảm bảo thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động. Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tình trạng sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường tại các đô thị lớn, tình hình an ninh nguồn nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, phòng chống tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng…
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Lâm Viên (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin