Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh giá lại ‘sức khỏe’ doanh nghiệp khi số doanh nghiệp rút lui nhiều hơn số thành lập mới

Thanh Hải
15:35, 29/05/2024

Dù kinh tế đạt kết quả tích cực, song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức, hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

* GDP quý II-2024 ước tăng 5,66% - cao nhất từ 2022 đến nay

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị những tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực.

Nhìn lại 1 năm trước, GDP quý I-2023 chỉ đạt 3,32% - mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm thì GDP quý II-2024 ước tăng 5,66% - cao nhất từ 2022 đến nay. Với kết quả này, các đại biểu tin tưởng và hy vọng rằng năm 2024 tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Kinh tế có nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đó là kinh tế vi mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân còn chậm, thị trường bất động sản khó khăn…

Những vấn đề này cần được Chính phủ quan tâm chỉ đạo và sớm có giải pháp khắc phục.

Ảnh: CTV
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (bìa phải) và các đại biểu tham dự phiên họp ngày 29-5. Ảnh: CTV

* Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đối với một số vấn đề: tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung ứng, không để tăng giá đột biến những loại hình dịch vụ và mặt hàng thiết yếu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện, sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, quy định về điện áp mái...

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, có chính sách, giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.

Các đại biểu Quốc hội mong Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp khi mà 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này. 

Ngoài ra, đánh giá về các chỉ số như đổi mới sáng tạo cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, quy mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn, tốt hơn...

Thanh Hải (ghi)

Tin xem nhiều