(ĐN)- Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, đến 15h ngày 16-5, đã có 88/94 bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm đã được xuất viện, còn 6 bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại trung tâm. Dự kiến trong sáng 17-5, những bệnh nhân này sẽ được xuất viện.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom và Công ty TNHH Dechang Việt Nam thăm hỏi công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm sáng 16-5. Ảnh: CTV |
Theo đó, tối 15-5, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom lần lượt tiếp nhận, cấp cứu cho 94 công nhân của Công ty TNHH Dechang Việt Nam (100% vốn Trung Quốc, đóng tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom). Những công nhân này trong bữa ăn chiều tại công ty đã ăn món mì quảng gà. Sau đó ít lâu thì có triệu chứng đau bụng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Một số trường hợp có thêm triệu chứng sốt cao.
Điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong ngày 15-5, đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Dechang Việt Nam cung cấp hơn 1,1 ngàn suất ăn chiều là món mì quảng gà cho công nhân của 5 chuyền của công ty. Có 400 công nhân của 2 chuyền ăn trước, trong số này có 94 công nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại công ty, lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đồng thời, điều tra nguyên nhân gây vụ nghi ngộ độc thực phẩm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom làm gần 660 người mắc. Trong đó, có nhiều trường hợp phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác điều trị, điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Trong đó, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Qua đó, thay đổi ý thức, hành vi, thói quen lựa chọn, sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin