Sau một thời gian đóng cửa để sửa chữa, cải tạo và lắp đặt cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Biên Hòa lao đao vì vắng khách.
Nhiều quán karaoke ngay tại trung tâm thành phố Biên Hòa gặp tình trạng vắng khách. Ảnh: Minh Hạnh |
Cắt giảm nhân sự vì khách đìu hiu
Để cơ sở kinh doanh karaoke có thể mở cửa hoạt động trở lại, ông Khương Bá Hiếu (chủ quán karaoke Bầu Trời Mới, đường Đặng Đức Thuật, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa) đã đầu tư số tiền lên đến 2 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Cơ sở đã trang bị hệ thống PCCC hiện đại, đạt chuẩn của Bộ Công an, có hệ thống bơm nước tự động, mặt nạ phòng độc, thang thoát hiểm ngoài trời. Bên cạnh đó, nâng cấp sửa chữa lại các phòng hát, thay thế bằng các vật liệu khó cháy hoặc không cháy.
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, cơ sở kinh doanh của ông Hiếu rất nhộn nhịp, liên tục có khách ra vào. Thời điểm cuối tuần, cơ sở này không có đủ phòng cho khách đến hát. Tuy nhiên, sau 2 lần tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19 và vướng mắc về PCCC, khách quen đã vắng dần.
Theo ông Hiếu, sau khi hoạt động trở lại, lượng khách sử dụng dịch vụ karaoke chỉ còn khoảng 10% so với thời điểm trước dịch. Việc khách không quay trở lại như dự tính khiến doanh thu giảm mạnh.
“Trước dịch Covid-19, cơ sở có tổng cộng 9 nhân viên. Nhưng bây giờ tình hình kinh doanh khó khăn, vắng khách, không có tiền chi trả cho nhân viên, nên đã cắt giảm hết nhân viên. Gia đình tự quản lý, tự làm toàn bộ.”- ông Hiếu chia sẻ.
Tối thứ 7 là thời gian cao điểm nhưng cơ sở kinh doanh karaoke Bầu Trời Mới chỉ đón 1 lượt khách. Ảnh: Minh Hạnh |
Không chỉ cơ sở kinh doanh karaoke của ông Hiếu phải đối mặt với tình cảnh ế ẩm, vắng khách mà nhiều cơ sở khác cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Anh Nguyễn Văn Thông (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Dọc con đường Đặng Đức Thuật này ngày xưa có gần chục quán karaoke, vào buổi tối các ngày trong tuần thôi mà xe để chật kín bên trong tiệm và tràn ra cả lòng đường. Nhưng hiện nay thì vắng hoe, tối cuối tuần cũng không có khách. Có thể là do nhu cầu bây giờ người ta chỉ hát ở nhà, ít khi ra quán.”
Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Biên Hòa, đến ngày 15-5, trên địa bàn thành phố có 102 cơ sở kinh doanh karaoke, tập trung nhiều nhất ở các phường Thống Nhất, Tam Hiệp, Long Bình Tân. Trong đó, có 9 cơ sở đang nghỉ hoặc tạm ngưng kinh doanh, 2 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh.
Nhiều ưu đãi, vẫn vắng khách
Theo một số chủ cơ sở kinh doanh karaoke, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh karaoke gặp nhiều khó khăn.
Sau đợt dịch bệnh Covid-19 đã phần nào tạo tâm lý e ngại của người dân không muốn đến tiếp xúc chỗ đông người. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người lao động Việt Nam. Người lao động hạn chế chi tiêu cho du lịch, ăn uống, nghỉ ngơi, ca hát, từ đó dẫn đến việc các ngành dịch vụ bị tác động đáng kể.
Đường Đặng Đức Thuật, nơi nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đang chịu cảnh vắng vẻ. Ảnh: Minh Hạnh |
Ngoài ra, do đặc thù dịch vụ karaoke thường đi kèm với kinh doanh bia rượu nên khi quy định về đo nồng độ cồn được áp dụng nghiêm cũng gây ảnh hưởng đến ngành dịch vụ, ăn uống, karaoke.
Anh Tấn Phát, ngụ tại thành phố Biên Hòa cho biết: “Khi đi hát với bạn bè thường được rủ uống rượu bia, nếu đi grab sẽ rất tốn kém, đi xe máy tới hát thì dễ bị dính nồng độ cồn, dần dần mình cũng hạn chế".
Dù đã áp dụng nhiều cách để thu hút khách hàng quay trở lại như giảm giá dịch vụ, đưa ra các chương trình ưu đãi 20-30%, thậm chí là 50%, đăng các chương trình khuyến mãi lên Google hoặc Facebook để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, nhưng tình hình kinh doanh của ngành dịch vụ karaoke vẫn chưa mấy khởi sắc.
Minh Hạnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin