Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở ở Đồng Nai mới đạt khoảng 30%

Hải Yến
17:58, 16/03/2024

(ĐN)- Sáng 16-3, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (thành phố Biên Hòa) tổ chức Tọa đàm khoa học “Đặc điểm tâm lý và các giải pháp giáo dục sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã đến dự.

Lãnh đạo Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi tặng hoa cho các đại biểu và diễn giả chính tham gia tọa đàm. Ảnh: Hải Yến
Lãnh đạo Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi tặng hoa cho các đại biểu và diễn giả chính tham gia tọa đàm. Ảnh: Hải Yến

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, chủ đề của tọa đàm cho thấy, bên cạnh quan tâm công tác đào tạo, nhà trường đã quan tâm vấn đề hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên cao đẳng nghề. Các bài tham luận gửi đến tọa đàm có nhiều nội dung rất ý nghĩa, như: đặc điểm tâm lý của sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+; thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường, thầy cô, gia đình, bạn bè đối với sinh viên; chấp hành nội quy, nề nếp tác phong sinh viên, hiệu quả học tập, ngăn chặn xung đột, bạo lực học đường…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, hiện nay công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở ở Đồng Nai mới chỉ đạt khoảng 30% trong khi mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp (theo Chỉ thị Số 21-CT/TW Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Như vậy, trong thời gian tới cần phân luồng sau trung học cơ sở nhiều hơn nữa. Do đó, những sinh viên hệ 9+ không nên mặc cảm, tự ti.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Yến

Phó chủ tịch UBND tỉnh tin rằng, toạ đàm sẽ bàn nhiều giải pháp nhằm giúp sinh viên hệ 9+ hiểu rằng xã hội rất cần những lao động có tay nghề; góp phần làm chuyển biến nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề, hiểu sâu sắc về “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Đồng thời mong muốn các trường nghề sẽ đào tạo được những lao động có tay nghề, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp tốt để trở thành lực lượng lao động có chất lượng, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai theo mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Hải Yến

Tin xem nhiều