Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2023 không có công chức cấp xã bị đánh giá ở mức yếu

Phương Hằng
12:26, 28/02/2024

(ĐN) - Để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức cấp xã, góp phần quan trọng trong việc cải tiến lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch về việc lấy ý kiến nhân dân đối với các chức danh công chức của 170/170 xã, phường, thị trấn.

Ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở thị trấn Dầu Giây, H.Thống Nhất.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở thị trấn Dầu Giây, H.Thống Nhất

Theo đó, năm 2023 có 1.539/1.633 công chức cấp xã được lấy ý kiến (chiếm 94,24%), với 6 chức danh công chức bao gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và Môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã. Các trường hợp còn lại không tổ chức lấy ý kiến do công chức đang trong thời gian tập sự, nghỉ thai sản, mới được điều động, chuyển đổi vị trí công tác tuyển dụng mới, bổ nhiệm giữ chức vụ hoặc đang tham gia học tập trung.

Kết quả lấy ý kiến của nhân dân, có 90,65% các chức danh công chức cấp xã được đánh giá ở mức tốt (tăng 3,57% so với năm trước); số công chức xếp loại khá là 9,09% (giảm 3,52%) và số công chức xếp loại trung bình là 0,26% (giảm 0,05%). Năm 2023 không có công chức bị đánh giá ở mức yếu.

Số công chức được đánh giá mức trung bình tập trung vào các chức danh công chức: địa chính - xây dựng (2 trường hợp); tài chính - kế toán (1 trường hợp); tư pháp - hộ tịch (1 trường hợp).

Qua triển khai thực hiện chủ trương của Ban TVTU và Kế hoạch số 3549/KH-UBND ngày 10-5-2013 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chức danh công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh, kết quả trên giúp lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã nắm được chức trách nhiệm vụ của các chức danh công chức cấp xã trong quá trình thực thi công vụ, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót chấn chỉnh công tác kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ làm việc, quy tắc ứng xử... giúp nền hành chính ngày càng phát triển vững mạnh, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đội ngũ công chức, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước tại địa phương.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều