(ĐN)- Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), chiều 11-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam (Ảnh: VGP) |
Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đang từng bước vươn ra thế giới.
Dù vậy, khó khăn thế giới cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp. Khảo sát doanh nghiệp ngành sản xuất vào tháng 6-2023 của Navigos cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ 10-40% tổng doanh thu. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng.
Tại hội buổi gặp mặt, các doanh nhân đã trình bày những mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính như: đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, lao động. Một số vướng mắc đã được phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì điểm cầu Đồng Nai |
Trao đổi cùng với cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngày 10-10, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là một điều phấn khởi đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và cả nền kinh tế. Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của doanh nhân doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 toàn cầu, là một trong những nền kinh tế được đánh giá năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD năm 2022 và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.
Các doanh nhân, doanh nghiệp đã góp phần đắc lực, đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nhân, doanh nghiệp luôn có nhiều đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những lúc khó khăn, ngặt nghèo.
Cũng theo Thủ tướng, các doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế vẫn đang ngày ngày đối mặt với khó khăn khi thị trường hàng hóa đều bị thu hẹp, chuỗi cung ứng đứt gãy. Chính phủ chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn khó khăn này và cam kết đồng hành để tìm ra những giải pháp sớm phục. Chính phủ sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 thành các chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh.
Vương Thế
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin