(ĐN)- Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi nối vị tràng cho người bệnh bị hẹp môn vị tá tràng nặng.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho ông D. sau phẫu thuật (ảnh: N.B) |
Ông T.M.D. (79 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) nhập viện trong tình trạng suy kiệt, mất nước, bụng lõm, 2 tháng nay không ăn uống được, thường xuyên nôn ói.
Qua nội soi, thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp môn vị - tá tràng và chỉ định phẫu thuật nội soi nối vị tràng (phẫu thuật nối tắt dạ dày và ruột non). Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân đã ăn uống được, triệu chứng nôn ói không còn.
BS-CKI Nguyễn Xuân Trường, Khoa Ngoại tổng quát cho biết, hẹp môn vị có biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Hậu quả dẫn đến dạ dày bị dãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày.
Trường hợp ông D. bị viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc loét bờ cong nhỏ gần môn vị đã lâu ngày làm cho tổ chức của tá tràng bị xơ hoá, co kéo gây chít hẹp. Vì thế cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân có thể sẽ có những rối loạn trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng quai tới hoặc hội chứng Dumping, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
BS Trường khuyến cáo, viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất. Khi phát hiện viêm loét dạ dày, người bệnh cần điều trị tích cực bằng các phương pháp nội khoa và thay đổi lối sinh hoạt ăn uống để hạn chế tái phát.
Để phòng tránh tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng, người dân không nên hút thuốc, uống rượu, không uống nước chè đặc, cà phê đặc vì các chất này dễ gây viêm loét dạ dày.
Không nên làm việc nặng ngay sau khi ăn. Tránh mọi căng thẳng tinh thần như tức giận, ghen tuông, đố kị, vì đó cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có và được điều trị kịp thời.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin