Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).
Nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ. Ảnh: chinhphu.vn |
* Tháo gỡ khó khăn đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi);
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư…
* Thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án BĐS đang dở dang, sắp hoàn thành;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120 ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư…
* Nghiên cứu sớm hình thành Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Bộ KH-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, BĐS, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục vụ phát triển thị trường BĐS; nghiên cứu sớm hình thành Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ TN-MT tiếp tục phối hợp với các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 về phương pháp định giá đất; xây dựng điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 8-2023; đồng thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất.
* Lập tổ công tác của địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động thành lập các tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh và nhanh hơn nữa công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây lãng phí thời gian công sức và tiền của cho nhân dân theo thẩm quyền.
* Cơ cấu lại giá, các chương trình khuyến mại, khuyến khích nhà đầu tư, người dân mua nhà, kinh doanh BĐS
Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, cơ cấu lại giá, các chương trình khuyến mại, khuyến khích nhà đầu tư, người dân mua nhà, kinh doanh BĐS.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ hiệu quả để xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án nhằm nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
* Người dân cần nắm chắc, hiểu biết đúng các chính sách, pháp luật về BĐS
Đối với người dân, phải nắm chắc, hiểu biết đúng các chính sách, pháp luật về BĐS, tìm hiểu kỹ các thông tin dự án, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong khi điều kiện còn khó khăn…
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phải tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất xử lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Theo chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin