Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa tựu trường, bệnh tiêu hóa ở trẻ có xu hướng tăng

Bích Nhàn
21:31, 29/08/2023

Khoảng 1 tháng nay, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ có xu hướng tăng, cả số ca khám ngoại trú lẫn nhập viện.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 10 ca nhập viện; đáng chú ý, đã có những ca bệnh nặng.

BS Phạm Thị Kiều Trang khám cho bệnh nhân K. bị tổn thương đa cơ quan do nhiễm trùng tiêu hóa
BS Phạm Thị Kiều Trang khám cho bệnh nhân K. bị tổn thương đa cơ quan do nhiễm trùng tiêu hóa

* Tổn thương đa cơ quan do nhiễm trùng tiêu hóa

Bé Đ.Đ.K (3 tuổi, ngụ tại TP.Long Khánh) vừa phải nhập viện cấp cứu vì bị ngất xỉu, chân tay lạnh.

Gia đình cho hay, chiều 23-8, bé K. bắt đầu bị đau bụng quanh rốn, mệt và đi cầu phân lỏng. Chỉ trong ngày hôm sau, bé đã đi cầu đến hơn 10 lần và chân tay bắt đầu lạnh dần. Dù bé uống nước liên tục nhưng gia đình vẫn chủ quan cho rằng bệnh không quá nặng. Chỉ khi bé đứng không vững, gia đình mới đưa đi cấp cứu.

Ngay khi vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, thở máy và chống sốc lẫn bù dịch. Do bé thừa cân (3 tuổi, nặng 30 kg), bác sĩ không thể lấy ven mà phải chọc xương chày làm đường truyền trong xương (dùng kim chọc vào tủy các đầu xương lớn) để đưa thuốc, dịch truyền vào cấp cứu người bệnh trong các trường hợp khẩn cấp khi chưa lấy được đường truyền tĩnh mạch.

Sau đó, bệnh viện đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị.

BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khi nhận bệnh từ tuyến dưới chuyển lên, bệnh nhi đã trong tình trạng nặng do nhiễm trùng tiêu hóa. Hơn nữa, trên đường chuyển viện, bé xuất hiện tình trạng gồng cứng người, trợn mắt.

“Do đó, chúng tôi lo ngại bệnh nhi sẽ để lại di chứng não. Ngoài ra, bé K. còn bị tổn thương đa cơ quan như: tổn thương tim, gan và suy thận” - BS Trang lo lắng.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bé K. đã cai được máy thở, đáp ứng được với các câu hỏi của bác sĩ. Nhờ vậy, nỗi lo bé bị di chứng về não đã hết. 

BS Trang nhấn mạnh, khi thấy trẻ bị tiêu chảy mà đòi uống nước liên tục hoặc không uống được, bứt rứt, kích thích, li bì thì các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Bé nào cũng có thể đối mặt với căn bệnh này nhưng với các bé bị béo phì hoặc có bệnh nền, khả năng bệnh diễn tiến nặng nhanh hơn.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ, nhiều phụ huynh cho con uống vaccine Rota virus từ khi 2 tháng tuổi. Khi ấy, trẻ sẽ giảm được tiêu chảy cấp do virus Rota virus gây ra, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, viêm dạ dày ruột ở trẻ lớn do nhiều tác nhân khác nhau, nhất là khi trẻ ăn phải các thức ăn không đảm bảo vệ sinh.

* Đi cầu trên 10 lần/ngày nên đến bệnh viện ngay

Cũng liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ, khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viêm đường ruột cấp có xu hướng tăng.

BS Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết thêm, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 10 ca nhập viện. Các bé có biểu hiện sốt, ói, đau bụng, đi cầu lỏng và không ăn uống được. Do đó, các bé phải nhập viện để truyền nước, truyền dịch.

“Có những ngày, cả 4 phòng bệnh kín bệnh nhi phải truyền dịch, truyền nước cấp cứu cả ngày lẫn đêm do trẻ bị mất nước, hạ đường huyết” - BS Dũng cho hay.

Khi trẻ bị tiêu chảy thường mất nước, hạ đường huyết gây co giật cho bé do không ăn uống được.

Do giờ học sớm, nhiều trẻ không kịp ăn sáng ở nhà
Do giờ học sớm, nhiều trẻ không kịp ăn sáng ở nhà

“Những trường hợp này phải truyền nước cấp cho bé mới có huyết áp lại. May mắn là sau 3-5 ngày, các bé đã được xuất viện khi điều trị ổn định” - BS Dũng chia sẻ.

Các bậc phụ huynh cần phải theo dõi sát tình trạng của bé, nhất là những bé ăn vào là ói hết, đi cầu trên 10 lần/ngày, lừ đừ… cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất để bác sĩ theo dõi. 

BS Dũng nhấn mạnh, khi đi học, các bậc phụ huynh phải nhắc nhở con thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để giảm tình trạng viêm đường ruột. Ngoài bệnh tiêu hóa, mùa này, nhiều loại bệnh truyền nhiễm như: hô hấp, tay chân miệng, thủy đậu… sẽ tăng.

Điều đáng lo ngại là do giờ học sớm, nhiều gia đình không kịp nấu ăn sáng cho con, phải mua thức ăn bên ngoài, khó kiểm soát được chất lượng. Khi trẻ vô tình ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì nguy cơ bị bệnh về đường tiêu hóa là rất lớn.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều