Hiếm có HLV trưởng đội tuyển quốc gia nào lại phải dẫn dắt cả đội tuyển U.23 lẫn U.19, U.20 như ông Shin Tae-yong đang làm ở Indonesia.
Hiếm có HLV trưởng đội tuyển quốc gia nào lại phải dẫn dắt cả đội tuyển U.23 lẫn U.19, U.20 như ông Shin Tae-yong đang làm ở Indonesia.
U.20 Việt Nam thay đổi rất nhiều so với trận hòa Indonesia 0-0 tại Giải U.19 Đông Nam Á 2 tháng trước |
Tại Giải U.19 Đông Nam Á (ĐNA), khi U.19 Indonesia bị loại từ vòng bảng, làng cầu khu vực phải chịu đựng những “trò mèo” ồn ào của nước chủ nhà. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan xông vào phòng họp báo ôm HLV… khóc. Sau đó, thay vì “tiên trách kỷ” thì chuyển hướng dư luận, đẩy sự việc lên đỉnh điểm bằng cách triệu tập họp khẩn, gửi đơn khiếu nại Việt Nam và Thái Lan “bắt tay” nhau hòa để loại Indonesia và “hăm”… rời AFF (!).
Chỉ là một giải trẻ khu vực thi đấu hằng năm có gì mà cay cú đến thế? Ấy bởi từ khi ông Iriawan trở thành Chủ tịch PSSI nhiệm kỳ 2019-2023, bóng đá xứ vạn đảo liên tục đi xuống dù đã mời nguyên HLV trưởng đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2018.
Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 chung bảng với Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, họ về bét với chỉ 1 điểm; AFF Cup 2021 là lần thứ 6 vào chung kết nhưng lại về nhì, còn ở đấu trường SEA Games thì năm 2019 thảm bại 0-3 trước U.22+2 Việt Nam ở chung kết và năm 2022 chỉ HCĐ. Indonesia rất khát khao một danh hiệu vô địch bất luận ở cấp độ nào. Chính vì thế, khi đội U.16 thắng Việt Nam 1-0 ở trận chung kết, lên ngôi ở Giải U.16 ĐNA trên sân nhà hồi tháng trước, những Garuda trẻ cứ như thể vô địch World Cup, được vinh dự tham gia lễ thượng cờ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh và tổng thống đón tiếp.
Trở lại với đội tuyển U.19-U.20, đây là lứa cầu thủ được Indonesia đặt nhiều kỳ vọng và đầu tư, chăm bẵm hết mức nhằm hướng đến lần đầu tiên đăng cai Giải vô địch thế giới U.20 vào năm 2020 (do Covid-19 được dời đến tháng 8 năm nay). Là đội chủ nhà World Cup mà không nằm trong tốp 4 “ao làng” ĐNA và nay nếu lại không thể vào vòng chung kết U.20 châu Á (hoặc chỉ lấy vé vớt về nhì) thì thật khó coi.
Tuy nhiên, chính áp lực thành tích ấy, cộng với sức ép từ các quan chức, truyền thông lại gây tác dụng ngược. Chỉ cần thua 1 trận đá tập trước U.18 Persija Jakarta, lập tức thầy trò ông Shin Tae-yong nhận bão chỉ trích. Rồi trợ lý và HLV trưởng lên tiếng chỉ trích học trò lười biếng, tự mãn, tỏ thái độ lên mặt…
HLV Shin Tae-yong tự tin cho rằng, ở bảng F của vòng loại U.20 châu Á 2023 này, ông “không hiểu ai (Hong Kong, Timor Leste), chỉ hiểu Việt Nam”. Đó là một sai lầm. Với 10 gương mặt đang trui rèn ở V.League và Giải hạng Nhất được bổ sung (hậu vệ Hồ Văn Cường, Ngọc Sơn, Hiểu Minh, Hải Nam; tiền vệ Xuân Bắc, Đức Phú, Xuân Tiến; tiền đạo Thanh Nhàn, Quang Hiển, Bùi Vĩ Hào), đây gần như là một U.20 Việt Nam hoàn toàn khác. So với đội hình chính trong trận gặp Indonesia tại Giải U.19 ĐNA cách đây 2 tháng (hòa 0-0), đoàn quân của HLV Đinh Thế Nam có đến 7 cái tên mới trong trận thắng Hong Kong 5-1.
Chắc chắn ở trận “chung kết” bảng tối chủ nhật, sân Gelora Bung Tomo sẽ chật cứng 45 ngàn CĐV cuồng nhiệt, “dữ dằn” nhất Đông Nam Á. Đó sẽ là áp lực khủng khiếp với các cầu thủ U.20 của chúng ta nhưng đồng thời cũng là sức ép tâm lý lớn cho đội chủ nhà. Do đó, cách tiếp cận trận đấu rất quan trọng. Indonesia sẽ muốn “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”, sẽ không tránh khỏi nôn nóng xông lên. Do đó, các học trò HLV Đinh Thế Nam cần thật bình tĩnh, chơi chậm, chắc, nhử đối phương chờ cơ hội.
Có thể cả 2 đội cùng đi tiếp nhưng lần này 2 ông Iriawan và Shin Tae-yong sẽ không còn gì để đổ thừa?
Minh Chung