Đại thắng! Không thể nói cách nào khác về cột mốc kỷ lục 446 huy chương, trong đó có 205 HCV. Tham gia tranh tài 43 phân môn của tất cả 40 môn thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) có vàng ở 34 phân môn, trong đó đứng đầu toàn đoàn ở 22 phân môn và đứng nhì ở 7 phân môn.
Đại thắng! Không thể nói cách nào khác về cột mốc kỷ lục 446 huy chương, trong đó có 205 HCV. Tham gia tranh tài 43 phân môn của tất cả 40 môn thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) có vàng ở 34 phân môn, trong đó đứng đầu toàn đoàn ở 22 phân môn và đứng nhì ở 7 phân môn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 4 VĐV xuất sắc nhất |
Đóng góp lớn vào mốc son chói lọi này là 4 “mỏ vàng”: điền kinh, vật, đua thuyền và bơi lội, khi mang về tổng cộng 66 HCV, chiếm hơn 1/3 tổng số HCV. Đáng nói, đây cũng là 4 môn “đinh” của Olympic và Asiad.
Điền kinh Việt Nam kỳ thứ 3 liên tiếp thống trị SEA Games (SG) nhưng nhảy vọt với 22 tấm HCV (SG năm 2019 là 16 HCV, SG năm 2017 là 17 HCV). Nếu có “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh, con số HCV phải là 24. Bất ngờ và lịch sử là tấm HCV cuối cùng nhưng là lần đầu tiên ở nội dung marathon nam của Hoàng Nguyên Thanh.
Bơi lội không còn “máy gặt vàng” Ánh Viên, người mang về 6 và 7 HCV tại 2 kỳ SG trước, chỉ đặt chỉ tiêu 6-8 HCV. Thế nhưng, các kình ngư nam đã lên tiếng bù đắp. Với sự xuất sắc của Huy Hoàng (5 HCV), Trần Hưng Nguyên (4 HCV) và bất ngờ “hoàng tử ếch” Phạm Thanh Bảo, bơi lội Việt Nam đã giành đúng 11 HCV như trên đường đua xanh ở Philippines 3 năm trước.
Ngoài 2 môn thể thao Olympic cơ bản ấy, vật Việt Nam vẫn khẳng định vị trí thống soái, vô đối ở Đông Nam Á khi chỉ đánh rơi duy nhất 1 HCV trong 18 nội dung thi đấu (tại SG30 là 12/14 HCV). Nếu vật tự do lấy 11/12 HCV thì cả 6 ngôi vô địch các hạng cân vật cổ điển đều thuộc về các võ sĩ chủ nhà.
Tương tự, đua thuyền mang về tới 16 HCV; nhất là ở nội dung rowing mà 3 năm trước chủ nhà Philippines loại bỏ, các nữ tay chèo Việt Nam đã thâu tóm toàn bộ 8 HCV từ thuyền đôi, thuyền 4 đến chèo đơn, chèo đôi. Còn canoeing cũng tăng gấp 4 lần với 8 HCV so với SG trước.
Đặc biệt, trong 30 kỷ lục mới được thiết lập tại SG31, các VĐV Việt Nam đóng góp đến 17. Trên đường đua xanh, Huy Hoàng phá kỷ lục của chính mình ở nội dung 400m tự do với thành tích 3’48”06, tương tự là Hưng Nguyên ở 400m hỗn hợp, Phạm Thành Bảo lập cột mốc mới ở 100m ếch nam với 1’01”17. Môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục 3.000m vượt chướng ngại vật của chính mình (9’52”44), Lò Thị Oanh ném lao (56,37m). Trong môn cử tạ, Phạm Thị Hồng Thanh lập 3 kỷ lục mới ở hạng cân 64kg nữ, Lại Gia Thành lập 2 kỷ lục hạng cân 55kg nam, Hoàng Thị Duyên phá kỷ lục cử giật 59kg nữ…
Ngoài các môn võ và những môn thế mạnh truyền thống nhưng không thường xuyên có mặt ở SG như lặn, thể hình…, với sự tiếp thêm sức mạnh từ sự cổ vũ của gia đình, người thân, CĐV nhà, VĐV các đội tuyển đều thi đấu vượt trên sức mình để giành những thành tích ngoài dự tính. Đáng kể nhất là môn bắn súng ở SG30 ra về trắng tay đã bất ngờ “nổ” giòn với 7 HCV; với 4 và 5 HCV, đấu kiếm và thể dục dụng cụ đều vượt chỉ tiêu vàng; hay cử tạ không có 2 niềm hy vọng số 1 Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền vẫn giành 3 HCV.
Chiều 1-6, Bộ VH-TTDL tổ chức lễ vinh danh thành tích Đoàn TTVN tại SG31. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động (HCLĐ) hạng Nhì cho 4 VĐV xuất sắc: Nguyễn Huy Hoàng, 5 HCV bơi lội, lập 2 kỷ lục SG; Nguyễn Thị Oanh, 3 HCV điền kinh, 1 kỷ lục SG; Trần Hưng Nguyên, 4 HCV bơi lội và Nguyễn Thị Hương, 5 HCV canoeing. Ngoài ra, có 2 tập thể (đội tuyển bóng đá nam, nữ) và 19 cá nhân được tặng thưởng HCLĐ hạng Ba, cùng 305 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại lễ mừng công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mỗi tấm huy chương là mồ hôi, nước mắt, tuổi thanh xuân của các VĐV. SG31 diễn ra công bằng, trung thực, cao thượng và thành công rực rỡ là minh chứng cho việc Việt Nam đã thích ứng an toàn, linh hoạt, tự tin mở cửa với thế giới. |
Trần Đỗ - Trường Xuyên
Bài 2: Võ vẫn là “đặc sản”