Đêm nay mới là tâm đỉnh, được chờ đợi nhất trong 8 cặp đấu của vòng 16 đội EURO 2020. Lịch sử 91 năm chạm trán giữa đôi bên đã làm tốn không biết bao giấy mực với quá nhiều những nợ nần, khiến mỗi lần đụng độ ở World Cup và EURO (đây là lần thứ 8 trong lịch sử) là một cuộc chiến vượt khỏi những giá trị chuyên môn đơn thuần.
Đêm nay mới là tâm đỉnh, được chờ đợi nhất trong 8 cặp đấu của vòng 16 đội EURO 2020. Lịch sử 91 năm chạm trán giữa đôi bên đã làm tốn không biết bao giấy mực với quá nhiều những nợ nần, khiến mỗi lần đụng độ ở World Cup và EURO (đây là lần thứ 8 trong lịch sử) là một cuộc chiến vượt khỏi những giá trị chuyên môn đơn thuần.
Hai HLV Gareth Southgate (phải) và Joachim Loew sẽ có cuộc đối đầu thú vị. Ảnh: DPA |
Trận chung kết World Cup 1966 ngay trên xứ sở sương mù, bàn thắng quyết định của huyền thoại Geoff Hurst giúp Anh đánh bại tuyển Đức 2-1 để lần đầu tiên (và cho đến giờ vẫn là duy nhất) có một danh hiệu lớn, được cho là bóng chưa hề vượt quá vạch vôi. 44 năm sau, World Cup 2010, đến lượt người Anh ngậm chính trái đắng ấy, trận vòng 1/8, cú dứt điểm sấm sét của Lampard rung chuyển xà ngang bật đất phía trong cầu môn cả thước nhưng trọng tài từ chối bàn gỡ hòa, và Tam sư nhận thất bại đậm nhất trong lịch sử tham dự World Cup: 1-4. Còn ở đấu trường EURO, trận bán kết 1996, sau 120 phút bất phân thắng bại 1-1, trong cuộc đấu cân não ở loạt sút 11m thứ 6, chính hậu vệ Southgate, HLV hiện tại của đội tuyển Anh, đã ném đi cơ hội chạm vào tay vào chức vô địch EURO đầu tiên ở kỳ giải trên sân nhà. Nỗi ám ảnh nhiều và hằn sâu đến mức xứ sở sương mù cay đắng: “Bóng đá là một trò chơi 11 người đấu với 11 người mà trong đó kẻ chiến thắng… luôn là đội tuyển Đức (!)”.
Đêm nay, chỉ xê xích hơn 3 ngày sau 25 năm làm tan nát trái tim người Anh ở EURO, đội tuyển Đức trở lại sân Wembley. Nhưng thời thế có khác, Die Mannschaft không còn là chính họ kể từ sau kỳ World Cup 2018 trở thành nhà ĐKVĐ tệ nhất trong lịch sử, xách
va ly về nước với vị trí bét bảng. Chưa bao giờ cỗ xe tăng yếu ớt, dễ tổn thương như hiện tại. Ngược lại, đây là lần đầu tiên đội tuyển Anh giữ sạch lưới ở vòng bảng một giải đấu lớn kể từ World Cup 1966 mà họ lên ngôi vô địch. Thay cho một Tam sư hùng hổ lao lên là sự thực dụng, thận trọng, toan tính, được cho là theo bước nhà vô địch thế giới Pháp 3 năm trước, khi diện mạo thật vẫn chưa lộ diện, đội hình mạnh nhất vẫn là ẩn số. Chỉ mới ghi 2 bàn, thành tích tệ nhất của một đội đầu bảng tại EURO, nhưng “vua phá lưới” World Cup 2018 Harry Kane (6 bàn) vẫn chưa lên tiếng vì được kéo ra xa khung thành và ngoài Phil Foden trong tay, HLV Southgate còn rất nhiều ngôi sao tấn công chưa sử dụng hoặc mới dùng rất hạn chế như: Grealish, Rashford, tài năng trẻ Saka và nhất là Jadon Sancho. Hàng phòng ngự lại đã có sự trở lại của Maguire. Thế hệ hiện tại của tuyển Anh cũng tự tin hơn hẳn, không còn vương vấn nỗi ám ảnh Đức, lại được chơi tại thánh địa Wembley… “Tam sư” không ngoạm “xe tăng” bây giờ thì bao giờ?
Nhưng đâu đó trong thâm tâm người viết: “Kẻ chiến thắng lại là người Đức”! Không biết có phải vì nhận lương quá cao ở Premier League (mặt bằng hơn hẳn các giải VĐQG hàng đầu châu Âu) nên dù dồi dào tài năng nhưng các tuyển thủ Anh thiếu một khát vọng chinh phục cháy bỏng khi bước ra ngoài biên giới xứ sở sương mù. Ngược lại, một đội khi đã vượt qua cửa tử như tuyển Đức sẽ vô cùng khó lường và nên nhớ họ vẫn là đội sở hữu dàn sao hàng đầu tại EURO này.
Đông Kha