Với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, năm 2020 là một năm khác thường với thể thao. Dù vậy, với thể thao Việt Nam vẫn rất tự hào. Ngoài bóng đá, môn thể thao Olympic và là niềm hy vọng "mỏ vàng" số 1 tại SEA Games 31 (năm 2021) lần thứ 2 Việt Nam đăng cai, điền kinh vẫn giữ vững phong độ.
Với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, năm 2020 là một năm khác thường với thể thao. Dù vậy, với thể thao Việt Nam vẫn rất tự hào. Ngoài bóng đá, môn thể thao Olympic và là niềm hy vọng “mỏ vàng” số 1 tại SEA Games 31 (năm 2021) lần thứ 2 Việt Nam đăng cai, điền kinh vẫn giữ vững phong độ.
Ngần Ngọc Nghĩa với kỷ lục quốc gia 10"40, niềm hy vọng HCV SEA Games 100m nam đầu tiên cho điền kinh Việt Nam |
Đã có không ít bi quan về thành tích tại Giải điền kinh VĐQG năm 2020. Bởi cũng như bơi lội, do dịch Covid-19, mọi kế hoạch tập luyện, thi đấu của môn thể thao “Nữ hoàng” bị đình trệ, đảo lộn tất cả. Tuy nhiên, xứng danh là “Nữ hoàng” Đông Nam Á (soán ngôi Thái Lan trong 2 kỳ SEA Games gần đây), đường chạy Mỹ Đình đã ghi nhận chất lượng chuyên môn rất cao và nhiều dấu ấn bất ngờ.
Nổi bật là 2 chàng trai 20, 21 tuổi trên đường chạy tốc độ và cự ly trung bình. Trần Văn Đảng (Hà Nội) 2 lần lật đổ nhà ĐKVĐ và HCV 4 kỳ SEA Games liên tiếp Dương Văn Thái (Nam Định) ở nội dung 1.500m và 800m. Còn VĐV người dân tộc Thái Ngần Ngọc Nghĩa (CAND) xuất sắc phá kỷ lục quốc gia của chính mình ở cự ly 100m. Đã 4 lần VĐQG nhưng phải đến đầu năm nay Ngọc Nghĩa mới được gọi lên đội tuyển quốc gia và kỷ lục mới 10”40 đã tiệm cận thành tích HCV SEA Games 2019, hứa hẹn khả năng cạnh tranh ngôi vô địch 100m nam ở SEA Games 31 vào năm sau trên sân nhà - cự ly mà điền kinh Việt Nam chưa thể chinh phục. Cùng với nhà tân vô địch 110m rào Nguyễn Ngọc Quang (con trai của cựu “nữ hoàng” chạy rào Vũ Bích Hường) đã có một sự chuyển giao thế hệ trên đường chạy nam.
Dù không được thi đấu nhưng các tuyển thủ quốc gia đều giữ được phong độ, thậm chí là rất ấn tượng. Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á Lê Tú Chinh bảo vệ HCV 100m nữ với 11”43, vượt cả thành tích cô từng giành HCV SEA Games 30. Đây là Giải VĐQG “giàu” nhất của Tú Chinh, tổng cộng cô đã mang về cho TP.HCM 5 HCV: 100m, 200m, tiếp sức 4x100m nữ, 4x200m nữ và 4x100m hỗn hợp nam nữ. Nhưng Nguyễn Thị Oanh mới là VĐV xuất sắc nhất khi giành 4 HCV cá nhân 1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Đặc biệt, cô gái Bắc Giang từng đoạt 3 HCV SEA Games 30 xuất sắc phá kỷ lục quốc gia 10.000m nữ đã tồn tại 17 năm của Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa) với thành tích 34’08”54.
Cũng như Trần Văn Đảng, trên đường chạy nữ Quách Thị Lan (Thanh Hóa) đã 2 lần làm nên cuộc lật đổ sau nhiều năm không thể vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) để trở thành nhà vô địch mới nội dung 400m và 400m rào nữ.
Do các giải đấu vòng loại Olympic không thể tổ chức nên đến nay điền kinh Việt Nam vẫn chưa có VĐV nào tìm được suất đến Tokyo.
Trường Xuyên