Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấy gì qua 2 bài thi thử đầu tiên?

10:10, 10/10/2016

Chỉ trong vòng 3 ngày, thầy trò HLV Hữu Thắng đưa người hâm mộ trải qua 2 cung bậc cảm xúc khác nhau. Lội ngược dòng thắng tưng bừng một đội bóng mạnh của châu lục; rồi hòa chật vật trong thế sớm dẫn đến 2 bàn trước đối thủ cùng khu vực.

Chỉ trong vòng 3 ngày, thầy trò HLV Hữu Thắng đưa người hâm mộ trải qua 2 cung bậc cảm xúc khác nhau. Lội ngược dòng thắng tưng bừng một đội bóng mạnh của châu lục; rồi hòa chật vật trong thế sớm dẫn đến 2 bàn trước đối thủ cùng khu vực.

Đội tuyển Việt Nam đang được người hâm mộ kỳ vọng rất lớn. Nguồn:Zing.vn
Đội tuyển Việt Nam đang được người hâm mộ kỳ vọng rất lớn. Nguồn:Zing.vn

Những nét tích cực

Nét tích cực đầu tiên là thể lực, dù các cầu thủ vừa trải qua mùa bóng dài và đội tuyển (ĐT) chỉ mới tập trung, mới chỉ trải qua vài buổi tập thực thụ do kế hoạch tập luyện liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thêm quân số không đầy đủ.

Nhưng có lẽ điều khiến người ta phải ngạc nhiên nhất là khả năng dứt điểm - vốn là điểm yếu cố hữu của các ĐT Việt Nam - đợt này lại tốt đến vậy. 2 trận ghi 7 bàn thắng và tất cả đều đẹp mắt, được thực hiện với sự quyết đoán, tự tin, độ chính xác cao và có chủ đích chứ không phải ăn may. Đặc biệt 2 trong số đó (tuyệt phẩm của Xuân Trường vào lưới CHDCND Triều Tiên và bàn mở tỷ số của Văn Thắng trước Indonesia) là những cú sút xa ngoài vùng cấm tuyệt đẹp.

Về cách vận hành hàng công, ở 2 trận đấu ĐT Việt Nam đã thử nghiệm 2 sơ đồ khác nhau. Trong trận đấu gần như hoàn hảo trước CHDCND Triều Tiên là 4-1-4-1 với Công Vinh chơi cao nhất và biến thể sang 4-1-2-3 với 2 tiền vệ cánh Thanh Trung, Văn Toàn (sau đó là Văn Quyết, Thành Lương) dâng cao và sẵn sàng đột nhập trung lộ. Còn trước Indonesia, do yếu tố con người, HLV Hữu Thắng chuyển sang đá 4-4-2, nhưng thực sự là không có ai sắm vai chuyên trách tiền đạo. Vị trí chơi cao nhất liên tục được hoán chuyển giữa các tiền vệ nhưng có khả năng ghi bàn cao: Văn Quyết với Minh Tuấn, Lê Văn Thắng với Trọng Hoàng.

Đây là thành công lớn của HLV Hữu Thắng so với các nhà cầm quân tiền nhiệm, đặc biệt là các HLV ngoại. Kể từ sau chức vô địch duy nhất ở AFF Cup 2008 cùng “phù thủy” Calisto, suốt 10 năm trở lại đây, trải qua 3 triều đại HLV Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, ĐT Việt Nam luôn kêu gào về sự khủng hoảng tiền đạo, do V.League vai trò này đều thuộc về các ngoại binh, cầu thủ Việt xuất thân là tiền đạo, kể cả như Công Vinh, đều phải chơi dạt cánh. Tuy nhiên dưới thời Hữu Thắng, bỗng nhiên tất cả không còn là vấn đề. Ngược lại, ĐT Việt Nam “bỗng” hết sức dồi dào các nhân tố tấn công, thậm chí còn có vẻ đang “khủng hoảng” thừa. Nhờ rành rẽ lối chơi, ưu khuyết của từng cầu thủ nội, với những con người hiện tại trong tay, HLV Hữu Thắng đã áp dụng lối chơi tiền đạo ảo rất phù hợp, vấn đề cần giải quyết là những vệ tinh hỗ trợ cho sự vận hành chiến thuật này, đặc biệt là vị trí trái tim: tiền vệ trung tâm.

Một thử nghiệm thất bại nhưng bổ ích

Không phải chiến thắng tưng bừng trước CHDCND Triều Tiên mà chính trận đấu vất vả trên đất Indonesia mới giúp ĐT Việt Nam vỡ ra được rất nhiều vấn đề. Không chủ quan như đội bóng Đông Á dành cho chúng ta quá nhiều không gian và thời gian hoạt động; với sự am hiểu bóng đá Việt Nam, HLV Alfred Riedl đã cho các cầu thủ chủ nhà với ưu thế sức mạnh, chơi áp sát, đá rát quyết liệt, gây áp lực lớn liên tục khiến tuyến giữa Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Chắc chắn đây cũng sẽ là lối chơi mà các đối thủ áp dụng khi đối đầu với chúng ta tại AFF Cup sắp tới.

Không có Xuân Trường, Tuấn Anh, HLV Hữu Thắng “thử nghiệm” cặp tiền vệ trung tâm: Trọng Hoàng, Minh Tuấn. Một “thử nghiệm” thực sự khi sở trường cả 2 tiền vệ B.Bình Dương và Than QN này là tiền vệ cánh. Chính vì vậy, họ không có được tố chất tổ chức điều tiết, giữ nhịp, làm bóng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trước lối chơi pressing, gây sức ép của Indonesia, ĐT Việt Nam trở nên thiếu sự mềm mại, độ kết dính và kém linh hoạt, sáng tạo hẳn so với trận đấu 3 ngày trước, đặc biệt là đánh mất hoàn toàn khả năng kiểm soát bóng và những đường chuyền mang tính đột biến. Bàn mở tỷ số của Văn Thắng chỉ là khoảnh khắc quyết đoán của một cá nhân, còn bàn thứ 2 của Minh Tuấn cũng là pha phối hợp mang dấu ấn tập thể duy nhất.

Trận đấu này càng cho thấy vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là không thể thay thế của bộ đôi tiền vệ mới 21 tuổi Xuân Trường - Tuấn Anh, cùng những nhân tố HAGL trong lối chơi phối hợp nhỏ, bóng ngắn mà ĐT Việt Nam hướng đến. Tuy nhiên ngay cả khi Xuân Trường, Tuấn Anh có mặt, HLV Hữu Thắng cũng cần thiết phải để những nhân tố khác thử sức. Cuộc thử nghiệm dù thất bại, nhưng ít nhất đã cho ra một kết quả: Trọng Hoàng và Minh Tuấn không thích hợp chơi tiền vệ trung tâm. Hoàng “bò” giàu sức mạnh, chơi lăn xả, nhưng thiếu sự tinh tế, nhãn quan chiến thuật (lần duy nhất anh tỏa sáng chính là pha khoét nách mở vào mang về bàn thắng thứ 2 nhờ cảm giác vị trí quen thuộc của một cầu thủ chạy cánh), còn Minh Tuấn có kỹ thuật nhưng hầu như không biết phòng ngự. Không chỉ hạn chế trong kiến thiết, tổ chức tấn công mà xu hướng luôn dâng cao, ít khi lùi về chia lửa cho tuyến sau của bộ đôi này đã tạo khoảng trống quá lớn ở giữa sân với người chơi thấp nhất trên hàng tiền vệ là Hoàng Thịnh.

Rõ ràng, ĐT Việt Nam phải có nhiều hơn một phương án Xuân Trường - Tuấn Anh. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ngoài Trọng Hoàng, Minh Tuấn, còn ai có thể chơi tiền vệ trung tâm? Huy Hùng đang chấn thương nhưng là mẫu tiền vệ phòng ngự như Hoàng Thịnh; còn tất cả những tiền vệ còn lại: Thanh Trung, Đình Tùng, Phi Sơn, Huy Toàn đều sở trường bám biên. Thực tế ở hiệp II, HLV Hữu Thắng đã lần lượt đưa vào sân những quân bài tấn công: Công Vinh (thay Văn Thắng), Văn Toàn (Minh Tuấn), Đình Tùng (Văn Quyết), Huy Toàn (Hoàng Thịnh), nhưng vẫn không cải thiện được thế trận. Trong một chiến dịch đường dài như AFF Cup, việc lối chơi cả đội phụ thuộc vào 2 cá nhân là quá phiêu lưu và nguy hiểm.

Minh Chung

 

Tin xem nhiều