Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca hùng dũng vang lên tại đấu trường Olympic. Không chỉ vậy, cùng với chiếc HCV còn là kỷ lục Olympic cùng 1 HCB, để đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xếp hạng 48/207 đoàn tham dự Rio 2016.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca hùng dũng vang lên tại đấu trường Olympic. Không chỉ vậy, cùng với chiếc HCV còn là kỷ lục Olympic cùng 1 HCB, để đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xếp hạng 48/207 đoàn tham dự Rio 2016. Nhưng ngay khi ngọn lửa Olympic trên SVĐ Maracana vừa tắt cũng là lúc một câu hỏi được đặt ra, sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ai sẽ giành HCV cho TTVN ở Tokyo 2020?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã được nhận tiền thưởng “khủng” |
“Càng cao danh vọng càng dầy gian nan”, chiếc HCV của Xuân Vinh mang lại vinh quang, tự hào, nhưng đồng thời cũng tạo nên áp lực, thách thức lớn chưa từng có đối với ngành thể thao. Nhiều nhà chuyên môn nhận định chiến tích lịch sử vừa qua ít nhiều mang tính ngoại lệ, đột xuất, rất khó để tái lập nếu nhìn vào thực lực cùng nguồn lực hiện tại của TTVN. Do đó, trả lời cho câu hỏi trên 4 năm tới là câu chuyện của tầm nhìn và một chiến lược đầu tư, được cụ thể hóa bằng các kế hoạch kỹ càng cho từng chu kỳ với các giải pháp đột phá cùng nguồn kinh phí đảm bảo. Tất cả phải được bắt tay triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ mới có thể kịp.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, đồng thời là trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ Olympic, Asiad, SEA Games, phân tích: về tổng thể, VĐV ta trình độ còn thấp so với trình độ các VĐV ưu tú của các quốc gia khác do công tác chuẩn bị và mức độ đầu tư.
Tuy nhiên, rất đáng mừng là thành công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã tạo ra một cú hích lịch sử cho sự phát triển trong tương lai. Người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định: “Bộ sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu; nâng cao chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho VĐV…, cũng như xây dựng môi trường văn hóa thể thao lành mạnh và tính chuyên nghiệp”. Cao hơn nữa, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Dù điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng ngành thể thao cần đầu tư mạnh hơn không chỉ cho môn bắn súng mà còn cho các đội tuyển khác... Không để các VĐV thiếu điều kiện tập luyện, thiếu dinh dưỡng. Cần phải tính toán lại những điều bất hợp lý để thể thao đi đúng lộ trình”!
Vinh quang tới mấy rồi cũng sẽ đi qua. Olympic 2016 đã là quá khứ, giờ là lúc cần hướng tới những vinh quang phía trước. Vấn đề là ngành thể thao có biết tận dụng cú hích mà Rio đã mang lại?
Đông Kha