Báo Đồng Nai điện tử
En

Thua từ đôi chân...(Bài 1)

09:10, 19/10/2015

Trong số báo phát hành trước trận đấu đội tuyển Việt Nam - Thái Lan, chúng tôi từng phân tích 3 điểm mạnh của đội bóng xứ chùa Vàng, trong đó đặc biệt cảnh báo về khả năng sút xa.

Trong số báo phát hành trước trận đấu đội tuyển Việt Nam - Thái Lan, chúng tôi từng phân tích 3 điểm mạnh của đội bóng xứ chùa Vàng, trong đó đặc biệt cảnh báo về khả năng sút xa.

Điều lo ngại đã sớm xảy ra ở phút 29 khi Kroekrit không gặp phải bất kỳ sự truy cản nào, từ 28m tung cú dứt điểm chân trái chính diện cực mạnh, đưa bóng liệng vào góc phải cầu môn Nguyên Mạnh, cởi nút thắt trận đấu. Trận lượt đi trên sân Rajamangala cũng từ một cú sút xa của cầu thủ vào sân thay người Pokklaw, Thái Lan đã đánh bại chúng ta ở phút 80. Bài học đã không được rút ra.

HLV Miura vẫn chưa xác lập được một lối chơi đặc trưng cho các đội tuyển quốc gia.
HLV Miura vẫn chưa xác lập được một lối chơi đặc trưng cho các đội tuyển quốc gia.

90 phút tại Mỹ Đình, thực tế Thái Lan không dứt điểm nhiều hơn Việt Nam nhưng sút cú nào ra cú nấy, hơn hẳn về chất lượng, uy lực và độ chính xác cũng như hiểm hóc, 2/3 bàn thắng là minh chứng. Ngược lại những pha dứt điểm của Công Vinh, Văn Quyết, Hồng Quân... đều luôn nửa vời, thiếu quyết đoán và thiếu hẳn sự tự tin. Sút... để mà sút cho xong nhiệm vụ. Khả năng dứt điểm của Thái Lan cũng không chỉ tập trung vào một vài chân sút mà trải đều ở mọi vị trí. Không phải bây giờ mà trong quá khứ, các thế hệ “những chú voi chiến” đều luôn ăn đứt chúng ta về khoản này. Điều đó một phần xuất phát từ thể trạng, các cầu thủ Thái thường đậm, chắc, “dày cơm” và có cái cổ chân cực khỏe nên lực ra chân rất mạnh và có thể đưa trái bóng đến điểm mong muốn. Tuy nhiên, cái chính là khâu đào tạo cơ bản ban đầu từ tấm bé và sự khổ luyện sau đó. So với những thế hệ cầu thủ trước năm 1975 ở cả 2 miền Nam, Bắc, khi nền bóng đá tiếng là còn nghiệp dư (nhưng so với Việt Nam, Thái Lan không là gì), ý thức khổ luyện của các cầu thủ (tiếng là chuyên nghiệp) hiện tại là rất kém. Ngày ấy mỗi VĐV đều cố gắng rèn cho mình một cú “độc”, mang thương hiệu riêng có (đôi khi trở thành biệt danh), không giống ai, không lẫn vào đâu được. Thế nên mới có những cú sút “lá vàng rơi” của Thế Anh; hay những cú “chặt” bóng, sút ngoài 20m như trời giáng của Trương Tấn Bửu... Còn bây giờ, rất hiếm, nếu không muốn nói là không có cầu thủ đã thành danh được lên tuyển nào, chịu khó nán lại sân tập hàng giờ một mình tự rèn các cú sút với maker (ngoài yêu cầu của HLV trong buổi tập chung).

Chính vì được uốn nắn, nghiêm túc từ khâu đào tạo kỹ thuật cơ bản, cộng với sự chịu khó không ngừng rèn luyện, hoàn thiện nên đôi chân các tuyển thủ Thái rất “ngoan”, hơn hẳn những đồng nghiệp Việt Nam trong kiểm soát và cách điều khiển trái bóng. Không chỉ dứt điểm tốt mà họ rất ít khi chuyền sai, chuyền hỏng, chuyền không đúng vị trí (trong khi các đường chuyền của đội tuyển Việt Nam thường rất dễ đoán vì cầu thủ vừa ít di chuyển không bóng vừa triển khai chậm). Kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ Thái Lan không điêu luyện, khéo léo hơn Việt Nam nhưng độ chỉn chu, hợp lý và chuẩn xác thì ăn đứt. Rất hiếm động tác thừa hay những pha xử lý hỏng, mất bóng vô duyên.

Không có gì lạ khi chỉ có lứa U.19 Học viện HAGL Arsenal JMG của Công Phượng, Tuấn Anh... là toàn thắng trước những cầu thủ Thái đồng niên trong 2 năm 2013-2014 nhờ khâu đào tạo tốt. Nhưng cũng những gương mặt này gặp lại nhau trong màu áo U.23 hay đội tuyển quốc gia sau đây vài năm nữa thì chưa chắc, bởi sự khác biệt về ý thức phấn đấu, phát triển như đã nói trên (chưa gì Thái Lan đã có một lứa U.19 tài năng hơn vừa đè bẹp U.19 Việt Nam đến 6-0 ở trận chung kết Đông Nam Á 2015 mới đây).

Bóng đá, môn thể thao của đôi chân, mà chân không “ngoan”, kém hơn toàn diện như thế thì thua mãi Thái Lan có gì ngạc nhiên!?

Đông Kha

 

 

 

Tin xem nhiều