Báo Đồng Nai điện tử
En

Vĩnh biệt "cây trụ đồng" lịch lãm!

11:06, 02/06/2014

Sáng qua 2-6, cựu danh thủ lừng lẫy, niềm tự hào của bóng đá (BĐ) miền Nam - Phạm Huỳnh Tam Lang đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì đột quỵ, thọ 72 tuổi.

Phạm Huỳnh Tam Lang với chiếc Cup Merdeka năm 1966.
Phạm Huỳnh Tam Lang với chiếc Cup Merdeka năm 1966.

Sáng qua 2-6, cựu danh thủ lừng lẫy, niềm tự hào của bóng đá (BĐ) miền Nam - Phạm Huỳnh Tam Lang đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì đột quỵ, thọ 72 tuổi.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, gia đình tôi ở đường Nguyễn Kim, quận 10, cạnh vận động trường Cộng Hòa (nay là SVĐ Thống Nhất). Ngày ấy, mỗi khi có trận cầu hạng danh dự (như V.League bây giờ), bọn trẻ chúng tôi thường chui “ổ chó” vào sân, không phải để xem BĐ mà là để chiêm ngưỡng những thần tượng, như: “Bàn tay nhựa” Á châu Phạm Văn Rạng, “Lưỡng thủ vạn năng” Lâm Hồng Châu, “Ảo thuật gia” Vinh “sói”…, đặc biệt là “nghệ sĩ” Phạm Huỳnh Tam Lang (cái tên ông thôi cũng đủ… “nghệ sĩ” rồi) - “Cây trụ đồng” châu Á. Chỉ cần sờ tay được vào đội giày “crăm bông” hay chạm vào người những ngôi sao sân cỏ này là chúng tôi đã hạnh phúc và lấy làm hãnh diện lắm lắm.

“Con tạo xoay vần”, chẳng ngờ 30 năm sau giữa đường phố Jakarta, Indonesia, tôi lại là người đầu tiên báo tin và chia vui với “thần tượng” Tam Lang của mình về việc đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) giành quyền vào bán kết SEA Games 19-1997 khi Lào bất ngờ đánh bại Malaysia nhờ bàn thắng của anh Kẹo La Khon. Tối đó, tại tiền sảnh khách sạn Atlet Century, trong niềm vui đột ngột và tình đồng hương, HLV phó ĐTVN (khi ấy HLV trưởng là ông Colin Murphy, người Anh) đã có những giây phút trải lòng với một phóng viên trẻ mà ông không hề biết từng là một “thằng nhóc”…vuốt lông chân ông.

Vốn trầm tĩnh nhưng đêm Jakarta năm 1997 ấy, HLV Tam Lang rất dạt dào cảm xúc, bởi đúng 35 năm trước khi vừa tròn 20 tuổi, cũng chính tại Indonesia chàng trung ứng của ĐT miền Nam VN từng dự Á vận hội 1962. Theo dòng hồi tưởng, ông trải lòng…

***

Sinh ngày 14-2-1942 ở xứ Gò Công (Tiền Giang), cậu bé mồ côi cha Phạm Huỳnh Tam Lang rời làng quê lên Sài Gòn trúng tuyển vào trường trung học nam danh tiếng nhất của miền Nam - Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Năm 1957, cậu học trò mới 15 tuổi lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch đội cầu nổi tiếng Ngôi sao Chợ Lớn. Chỉ 3 năm sau, ông được chọn vào ĐT Trẻ miền Nam, rồi ĐT Thanh Niên. Đầu năm 1962, Tam Lang chính thức giữ vị trí trung ứng của ĐT miền Nam và độc chiếm vai trò này trong suốt hơn 1 thập niên, cho đến khi ông tự ý rút lui vào những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, dù phong độ đang trên đỉnh cao. “Có nguyên nhân từ những bất đồng với giới chức lãnh đạo “Tổng cục túc cầu Sài Gòn” hồi đó. Nhưng lý do chính mà tôi và một số anh em quyết định rút lui là muốn tạo điều kiện cho lớp trẻ phát huy” - sau này Tam Lang giải thích.

Tuy nhiên, trước khi giã từ đấu trường quốc tế, trung ứng Tam Lang đã kịp để lại những dấu ấn khó phai mờ trong biên niên sử của BĐVN. Đó là trận thắng xuất thần 2-0, loại ĐT Israel (ngày ấy rất mạnh) ngay tại Tel Aviv, trong trận lượt về vòng loại Olympic 1964, mà chính ông là người “bắt” chết trung phong xuất sắc Peled của Do Thái. Đó là hình ảnh thủ quân Tam Lang nâng cao chiếc cúp Merderka lịch sử 1966. Là vinh dự khoác áo ĐT Các Ngôi sao châu Á năm 1967.

Đội bóng mà Phạm Huỳnh Tam Lang phục vụ cũng liên tục là một trong 2 đội hàng đầu thống trị làng túc cầu miền Nam. Sau ngày giải phóng, Cảng Sài Gòn do Tam Lang làm thủ quân, đoạt ngay chức vô địch Giải Cửu Long và là tên tuổi được yếu mến nhất. Xấp xỉ tuổi 40, ông mới treo giày giải nghệ (một tuổi thọ mà các cầu thủ BĐ ngày nay khó bì kịp).

Cũng ngày cuối năm 1997 ở Jarkarta ấy ông kể, từng cùng HLV Trần Bình Sự (HLV của Đồng Nai hiện tại) dẫn dắt ĐTVN dự vòng loại World Cup 1994, nhưng trước SEA Games 17 đã xin thôi nhiệm vụ bởi sự quan tâm, đầu tư dành cho ĐT lúc đó rất kém. Những đề xuất tập huấn của BHL đều bị gạt bỏ và trả lời không có kinh phí. Thế nhưng, sau thất bại nặng nề của ĐTVN tại Dunhill Cup và vòng loại World Cup 1998, ông lại quyết định nhận lời trở lại ĐTVN giúp HLV Colin Murphy tại SEA Games 19 (VN đoạt HCĐ). Hôm ấy (trước trận bán kết với Thái Lan), ông tâm sự với tôi: “Tôi không thuộc típ người thích “làm nổi”, nhưng không thể không nhận lời khi đích thân Bộ trưởng Hà Quang Dự viết thư đề nghị, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng động viên. Nhưng điều quan trọng là mỗi người phải có trách nhiệm làm một cái gì đó cho sự vươn lên, phát triển của ĐT quốc gia…”.

***

72 năm cuộc đời, 57 năm gắn bó với sự nghiệp sân cỏ, Phạm Huỳnh Tam Lang thực sự là một tượng đài của BĐVN. Với riêng tôi, ông sẽ mãi là một “thần tượng” về hình ảnh một nhà thể thao - trí thức. Một cầu thủ lịch lãm, nho nhã, mỗi lần ra sân đầu xức “bi-ăng-tin” chải chuốt, với cú xoài người chùi bóng “takling” nhẹ nhàng, thanh thoát mà đầy dứt khoát, hiệu quả, nhưng không hề phạm lỗi và… (chẳng biết bằng cách nào đó) trang phục luôn trắng tuyền. Một HLV điềm đạm, mực thước nhưng vẫn đầy nghiêm khắc và tự trọng để bảo vệ đến cùng những xác tín của mình.

Cầu mong cho linh hồn ông được xem nốt World Cup 2014 trước khi về thiên đàng!

Minh Chung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều