Báo Đồng Nai điện tử
En

Thể thao Việt Nam đến lúc phải chọn con đường

09:12, 26/12/2013

Kết thúc đợt SEA Games  được đánh giá là "hoàn thành mục tiêu" đề ra này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam đã có một số nhận định:

Kết thúc đợt SEA Games  được đánh giá là “hoàn thành mục tiêu” đề ra này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam đã có một số nhận định:

Mục tiêu của phong trào Olympic và cũng là tư tưởng chính thống của phong trào này là tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, giáo dục thế hệ trẻ, vươn lên những điều tốt đẹp thông qua thể thao. Tiêu chí và khẩu hiệu của phong trào là “fair-play” là: trung thực, công bằng và cao thượng.

SEA Games trong nhiều năm trở lại đây đã ngày càng không còn như thế. Các thành viên của Hội đồng thể thao Đông Nam Á không phải không biết điều này nhưng vẫn chấp nhận, thậm chí vẫn ngợi ca ủng hộ! SEA Games 27 một lần nữa đã phơi bày rõ lối chơi không theo tinh thần và tư tưởng của phong trào Olympic. Nỗi uất ức của các VĐV, sự chà đạp luật lệ thi đấu của trọng tài, sự lộng hành của nước chủ nhà trong nhiều kỳ SEA Games chỉ là hậu quả của định hướng phát triển, quản lý điều hành của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, của những hiến chương, điều lệ lỏng lẻo tiêu cực đang tồn tại. Chẳng lẽ không thay đổi được điều này?

SEA Games khi thì có 20 môn với 200 bộ huy chương, khi lên đến 43 môn với gần 500 bộ huy chương. Từ SEA Games 1993 đến nay chưa bao giờ số môn thi ổn định tương đối. 2 năm một lần, xuất hiện ít thì 3 - 4 môn, nhiều thì 9 - 10 môn mới... Số lượng môn thi do chủ nhà quyết định và đây là sự thể hiện “nét văn hóa truyền thống” của chủ nhà. Tất cả các vị khách cứ thế mà chạy theo. Muốn giành được vị trí top, VN phải giành được trên 70 HCV và phải cử đi 750 người tham gia thi 29/33 môn. Các đoàn buộc phải tính toán, chi phí tập huấn thi đấu cho VĐV, HLV, chi phí ăn ở đi lại... Đáng nói là phải chi phí cho các môn thể thao mà không mang lại lợi ích gì cho việc vươn lên đấu trường châu lục và cao hơn là Olympic (khoảng 10 môn). 2 năm lại thay đổi chương trình thi đấu, làm sao có được kế hoạch đào tạo VĐV kịp đáp ứng chương trình này. Thể thao Việt Nam đã đến lúc phải lựa chọn con đường, có nên lệ thuộc vào SEA Games nữa không? Có nhất thiết là phải xếp ở vị trí top 3 hay chỉ nên coi SEA Games là đấu trường rèn luyện, là bàn đạp để tiến xa hơn mà thôi.

Chúng ta đang có những tiến bộ, bứt phá của một số môn thi trong chương trình Olympic. Chúng ta đang có trong tay 50 - 60 VĐV trẻ ưu tú. Nếu quyết tập trung đầu tư cho lực lượng này thì người yêu mến thể thao sẽ vui mừng hơn ở mỗi kỳ ASIAD và Olympic tiếp theo.

Quang Minh (ghi)

 

Tin xem nhiều