Trong lịch sử 27 kỳ SEAP Games và SEA Games, đến nay có đến 14 kỳ (hơn phân nửa) nước chủ nhà thâu tóm ngôi nhất toàn đoàn. Nếu tính 10 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á gần nhất kể từ năm 1995, thì có đến 7 kỳ nước đăng cai thống trị ngôi đầu, trong đó SEA Games 22-2003 ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trong lịch sử 27 kỳ SEAP Games và SEA Games, đến nay có đến 14 kỳ (hơn phân nửa) nước chủ nhà thâu tóm ngôi nhất toàn đoàn. Nếu tính 10 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á gần nhất kể từ năm 1995, thì có đến 7 kỳ nước đăng cai thống trị ngôi đầu, trong đó SEA Games 22-2003 ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 3 kỳ còn lại là do nước chủ nhà Brunei (SEA Games 1999), Lào (2009) quá yếu và tại kỳ SEA Games 27 này Thái Lan quá mạnh. Dù vậy, việc qua mặt VN để chiếm vị trí thứ 2 chung cuộc là một cuộc “đại nhảy vọt” của nước chủ nhà Myanmar, nếu biết rằng lần cuối cùng mà họ lọt vào top 3 khu vực cách đây đã 34 năm, tại SEA Games 1979 ở Jakarta, khi ấy còn dưới cái tên Burma.
Tại SEA Games 27, dù bị trọng tài xử không công bằng nhưng Việt Nam vẫn dành 3 HCV môn karatedo. |
Thành tích Myanmar giành được tại SEA Games 27 với 233 HC, trong đó có 86 HCV (vượt đoàn đứng thứ nhì VN 13 chiếc), 62 HCB và 85 HCĐ quả là bước tiến “thần kỳ” khi mới cách đây 2 năm họ chỉ xếp hạng 7/11 tại SEA Games 26 với 80 HC (16V, 27B, 37Đ). Tức Myanmar đã vượt gấp 3 lần về tổng số HC, gấp 5,3 lần về HCV.
Không khó lý giải “phép màu” này khi trong số 86 HCV mà Myanmar giành được đã có 20 chiếc đến từ 2 môn truyền thống của nước chủ nhà là đua thuyền truyền thống (môn mang lại nhiều HCV nhất cho Myanmar với 14 chiếc(!) và chinlone (6 HCV). Chỉ riêng 2 môn này đã mang về Myanmar hơn 23% tổng số HCV. Nhưng mảnh đất màu mỡ nhất để gặt vàng cho bất kỳ nước chủ nhà nào là các môn thể thao mà thành tích tùy thuộc vào sự chấm điểm cảm tính, công tâm của trọng tài. Tại SEA Games 27 trong 10 môn võ và thể hình, Myanmar đã “gom” 41 HCV (chiếm gần phân nửa tổng số HCV đoạt được). Có thể so sánh với thành tích của Myanmar tại kỳ SEA Games gần nhất để thấy “bước tiến” của đoàn chủ nhà đã được các trọng tài “ghi nhận” ra sao: vovinam 6 HCV (chỉ kém VN về số HCB trong khi 2 năm trước còn chưa dự), kempo 6 HCV (SEA Games 26: 0 HC), wushu 5 HCV (vượt cả VN 2 HCB, trong khi SEA Games 2009 chỉ có 2 HCB), judo 4 HCV (SEA Games 26: 1), muay 4 HCV (0), taekwondo 4 (SEA Games 26 chỉ có duy nhất 1 HCB)…
Ở những môn mà năng lực, thành tích thi đấu thể hiện bằng những con số cụ thể, ý chí chủ quan của con người không thể can thiệp được thì thành tích của Myanmar rất khiêm tốn. Thể hiện rõ nhất là trong 2 môn thể thao Olympic cơ bản điền kinh và bơi lội. Điền kinh Myanmar chỉ giành được 2 HCV trên 47 bộ HC (nhưng trong đó cũng có 1 HCV nhờ sự giúp sức của trọng tài ở nội dung đi bộ nữ), còn bơi lội chỉ có được vỏn vẹn 1 chiếc HCĐ trong 32 nội dung thi đấu. Trong 31 môn giành được HC, chỉ có một môn duy nhất mà thành tích nước chủ nhà kém hơn kỳ SEA Games trước là môn bắn cung khi để mất 1 trong 2 chiếc HCV từng giành được ở Indonesia, và đây cũng là môn không thể “ăn gian” được.
Không thể trách người Myanmar vì việc đưa các môn “đặc sản” của mình vào và loại bỏ những nội dung thế mạnh của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, cũng như sự ưu ái, thiên vị của trọng tài đã trở thành tiền lệ của tất cả các nước đăng cai SEA Games, trong đó thể thao Việt Nam cũng đã từng. Tuy nhiên vấn đề là nó ngày càng quá trắng trợn, biến SEA Games trở thành như một “hội làng” mà “quan thề không để rơi rớt” chiếc HC nào. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thể thao Đông Nam Á cần ngồi lại để xác định lại ý nghĩa, mục đích của đại hội thể thao khu vực. Còn ngành thể thao VN cần xem xét, tính toán, dự SEA Games để làm gì và như thế nào?
Đông Kha