Một tuần lễ dị thường của bóng đá Việt Nam. Suốt tuần, cả làng cầu (cả giới truyền thông) bị một CLB “bắt cóc” làm con tin. Tất cả đều nín thở, thấp thỏm chờ đợi từng mẩu tin, động thái của đội bóng này, như chờ đợi cú điện thoại liên lạc, đặt điều kiện của kẻ bắt cóc trong các phim hình sự nước ngoài.
Một tuần lễ dị thường của bóng đá Việt Nam. Suốt tuần, cả làng cầu (cả giới truyền thông) bị một CLB “bắt cóc” làm con tin. Tất cả đều nín thở, thấp thỏm chờ đợi từng mẩu tin, động thái của đội bóng này, như chờ đợi cú điện thoại liên lạc, đặt điều kiện của kẻ bắt cóc trong các phim hình sự nước ngoài.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (bìa phải) trong một lần dự khán XTSG thi đấu. |
Sự bấn loạn chỉ từ một bản án kỷ luật đã nói lên tất cả chất nghiệp dư của làng cầu nước nhà, từ người chơi, ban tổ chức đến cơ quan quyền lực bóng đá cao nhất. Chẳng nền bóng đá chuyên nghiệp nào mà một CLB có thể biến cả giải đấu cao nhất quốc gia trở thành con tin, phải hồi hộp dõi theo “nhất cử nhất động” của mình. Một vị quan tòa sau khi ra phán quyết lại phát biểu “tiếc vì bị cáo không chống án (?!?)” (Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường trả lời phỏng vấn sau khi XTSG quyết định bỏ giải luôn chứ không khiếu nại). “Nhân nào quả nấy”! Sự việc có tên “XTSG” chỉ là hệ quả từ một thời kỳ làm bóng đá không giống ai của VFF khi để cho tư nhân hóa ồ ạt, ai làm bóng đá cũng được, miễn là có tiền. Việc mua bán CLB, thay đổi phiên hiệu diễn ra bát nháo, vô tội vạ; xóa sạch yếu tố truyền thống, bản sắc địa phương. XTSG chính là cái “quái thai” sinh ra trong giai đoạn chưa xa ấy. Một đội bóng không truyền thống, cũng chẳng gốc rễ khi được mua từ một CLB vừa lên hạng nhất ở Hà Nội rồi mang vào TP.Hồ Chí Minh dán nhãn xanh, nhãn đỏ gọi đó là “made in Saigon”, nhưng thực chất vẫn là món “hàng giả”. “Bạo phát, bạo tàn”, cái gì chóng nở thì sớm tàn, ấy là quy luật. Do đó, không có gì phải ầm ĩ với chuyện đội bóng này rã đám.
Những tưởng sự ra đời của cái gọi là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam điều hành giải đấu sẽ giúp cho V-League nâng tầm “chuyên nghiệp”, nhưng hóa ra chỉ là “bình mới rượu cũ”. Đại gia như XTSG làm mình làm mẩy đã đành, đến một đội bóng “thấp cổ bé miệng”, nợ như “chúa chổm” lại đã đặt chân xuống hạng cũng có thể gây sức ép bằng lý sự cùn và hăm giở trò “Chí Phèo” khiến ban tổ chức phải vội vàng xé bỏ điều lệ (quy định có đội xuống hạng), biến 2 vòng cuối của giải vô địch quốc gia thành đá chơi. Chừng nào cơ quan quản lý còn luôn bị động, lẽo đẽo chạy sau thì chớ mong ý thức tự giác, kỷ cương được thiết lập. Ngẫm lại, lời “trăng trối” của XTSG “không còn niềm tin vào VFF, VPF…” không phải là không có lý.
Minh Chung