Báo Đồng Nai điện tử
En

Lối chơi! (Bài 1)

09:12, 03/12/2012

Nguyên nhân đầu tiên và bao trùm lên thất bại nặng nề của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012 là sự phá sản hoàn toàn của lối chơi. Kế thừa từ ông thầy Calisto, HLV Phan Thanh Hùng tiếp tục trung thành với lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng; phối hợp nhỏ, nhuyễn bằng những bài đập nhả, đan bóng đoạn ngắn.

Nguyên nhân đầu tiên và bao trùm lên thất bại nặng nề của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012 là sự phá sản hoàn toàn của lối chơi. Kế thừa từ ông thầy Calisto, HLV Phan Thanh Hùng tiếp tục trung thành với lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng; phối hợp nhỏ, nhuyễn bằng những bài đập nhả, đan bóng đoạn ngắn. Phong cách chơi bóng này được coi là phù hợp với con người, tố chất và ưu thế về kỹ thuật, sự khéo léo của các cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, như tiqui - taca của Tây Ban Nha và Barcelona, chìa khóa cốt lõi của lối chơi này phải dựa trên sự di chuyển cực kỳ linh hoạt, nhuần nhuyễn của các vị trí, tạo nên đột biến vào thời điểm quyết định. Điều này hoàn toàn không có ở ĐT Việt Nam, khi thậm chí các cầu thủ tuyến dưới còn không buồn chạy chỗ chiếm lĩnh không gian ngay trước mặt.

Đội trưởng Minh Đức gục ngã sau thất bại trước Philippines. Ảnh: T.L
Đội trưởng Minh Đức gục ngã sau thất bại trước Philippines. Ảnh: T.L

Dưới thời Calisto, ĐT Việt Nam cũng không chỉ chơi nhỏ nhuyễn mà khi cần thiết vẫn có những miếng đánh phản công cực hiểm. Nhưng với HLV Phan Thanh Hùng có vẻ như đây là “vũ khí” duy nhất và khi bị đối phương “bắt bài” thì bế tắc.

Đúng là khi các cầu thủ phô diễn được “bài vở” thì xem rất thích mắt, nhưng đó đều là trong các trận giao hữu vô thưởng vô phạt trước giải. Nhưng khi vào giải thì không còn sự thoải mái ấy nữa. Quá hiểu rõ về lối đá của Việt Nam nên điều đầu tiên mà bất kỳ HLV nào gặp đội quân của ông Hùng đều chỉ đạo cho các học trò không để các cầu thủ Việt Nam được chơi theo ý muốn. Cách hóa giải lại quá đơn giản, hoặc phá lối chơi bằng lối đá rát, áp sát như Myanmar để đánh gãy từ tuyến giữa; hoặc nhường hẳn, mặc cho Việt Nam kiểm soát khu trung tuyến để tập trung phòng thủ dày đặc, đóng chặt cửa thành chờ thời điểm thích hợp bất thần xông ra tung một nhát kiếm như Philippines. Trong cả 2 trường hợp ấy, ĐT Việt Nam đều nhanh chóng thể hiện sự bế tắc, bất lực bằng những đường giao trả qua lại hay chuyền về vô hại; hay ức chế tâm lý, đá rối rắm và mất bóng liên tục.

Khá ngạc nhiên khi HLV Phan Thanh Hùng lại liên tục bào chữa: ĐT thể hiện những bài tập đối phó với tình huống này (đối phương đá pressing hoặc chủ động phòng ngự số đông) rất tốt, nhưng không hiểu sao trong thi đấu các cầu thủ lại không thực hiện được. Đến một người không phải trong nghề cũng biết rằng giữa đá tập - vốn hầu như không có tính đối kháng - và một trận đấu thật là khác biệt rất xa nhau. Vấn đề là những bài phá thế phòng ngự của đối phương không đủ độ sắc, không khả thi trong áp dụng thực tế; cũng có khả năng ban huấn luyện đã không chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng lẫn tâm lý cho cầu thủ khi rơi vào tình thế bế tắc.

Đông Kha

Tin xem nhiều