Ngày 6-10, tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tiến hành hội nghị tổng kết mùa giải 2012 và chuẩn bị mùa giải 2013. Chiều cùng ngày là gala tôn vinh, trao các danh hiệu cho các đội bóng, cầu thủ, HLV, trọng tài.
Ngày 6-10, tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tiến hành hội nghị tổng kết mùa giải 2012 và chuẩn bị mùa giải 2013. Chiều cùng ngày là gala tôn vinh, trao các danh hiệu cho các đội bóng, cầu thủ, HLV, trọng tài.
“Bầu” Hiển sẽ phải lựa chọn một trong ba “đứa con” Hà Nội T&T, SHB. Đà Nẵng và Hà Nội. Ảnh:T.L |
Mặc dù trước đó vào ngày 5-9, lãnh đạo VPF cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã cùng ngồi lại tổng kết một bước nhưng diễn biến tình hình trong 1 tháng qua đặt ra hàng loạt những vấn đề nóng, mới phát sinh cho chương trình nghị sự của hội nghị.
Nổi bật là vấn đề tài chính. Theo báo cáo sơ bộ của VPF, trong mùa đầu tiên công ty này điều hành giải đấu, tổng thu từ tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình, đóng góp cổ phần… là 106 tỷ đồng. Trong khi VPF chỉ mới chi ra 41 tỷ đồng cho toàn bộ công tác tổ chức giải đấu, như vậy VPF thu lãi khoảng trên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, trừ 10 tỷ đồng nộp cho VFF để lo cho các đội tuyển quốc gia, con số 50 tỷ đồng còn lại sẽ được VPF phân chia cụ thể cho các câu lạc bộ (CLB) ra sao?
Khoản 50 tỷ đồng gọi là tiền “bản quyền truyền hình” (thực chất là đóng góp của 10 doanh nghiệp trong cái mà “bầu” Kiên gọi là “hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” để đổi lại là spot quảng cáo trong các chương trình truyền hình trực tiếp V-League) hiện VPF đã thực nhận được bao nhiêu và tương lai mùa tới ra sao? “Cuộc chiến” giành lại bản quyền truyền hình V.League là câu chuyện mà VPF phải tổn hao tâm lực và uy tín nhất, nhưng khi có được thì lại kinh doanh một cách không giống bất cứ nơi nào trên thế giới. Thực chất của “cuộc chiến” này là đi mua sóng của truyền hình đổi quảng cáo. Theo hứa hẹn ban đầu của “bầu” Kiên và “bầu” Đức, mùa giải 2013 số thu từ nguồn này sẽ tăng lên không dưới 100 tỷ đồng, nhưng với tình hình “ảm đạm” của ngành ngân hàng giờ đây (vốn chiếm hầu hết trong “hội đồng bảo trợ bóng đá”), e điều đó là “bánh vẽ”.
Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính, trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay mà câu chuyện Navibank quyết định bỏ BĐ đang là thời sự, việc giới hạn chi tiêu cho các CLB bằng cách quy định mức trần lương, thưởng; điều chỉnh giá trị chuyển nhượng cầu thủ phù hợp với mặt bằng chung của xã hội, trả lại giá trị thật của thị trường BĐ… là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề là công tác kiểm soát tài chính các CLB như thế nào, bởi thực tế mùa vừa qua VPF cũng đề ra quy định, nhưng chỉ để… cho vui. Dự định các đội tiếp tục phải nộp tiền để tham gia giải sau một mùa bãi bỏ, trong khi nguồn thu lớn như thế, cũng chắc chắn sẽ gặp không ít phản đối.
Một vấn đề khác mà VPF và VFF phải có câu trả lời dứt khoát tại hội nghị hôm nay, đó là việc xử lý tình trạng một ông chủ 2 đội bóng của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, đặc biệt là sau trả lời bằng văn bản của “bầu” Hiển cũng như việc thoái vốn ở 3 công ty trên của “ông bầu” này. Sau 1 năm hoạt động, mối quan hệ và vai trò giữa hai đơn vị quản lý bóng đá VFF và VPF cũng phải làm rõ một cách thật cụ thể.
Dư luận đang chờ đợi một bản báo cáo tổng kết dũng cảm; nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, tiêu cực của mùa giải, của BTC, đội ngũ giám sát, trọng tài, các đội bóng… Chính vì bức xúc từ những bản báo cáo né tránh, tròn vo với điệp khúc “mùa giải đã thành công tốt đẹp”, “về đích an toàn” tại hội nghị tổng kết mùa giải năm ngoái của VFF, mới dẫn đến cuộc “chính biến” của các “ông bầu”, ra đời của VPF. Vậy bản báo cáo tổng kết hôm nay, VPF có dám công khai cụ thể tên tuổi và nguyên nhân một số trọng tài bị “điểm mặt”, “cất” không cho làm nhiệm vụ ở giai đoạn cuối giải vừa qua?
Kết luận và xử lý ra sao những trận đấu “có mùi”, đặc biệt là ở vòng 25 V.League - như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - Phó ban tư vấn đạo đức (do chính VPF lập nên) cho biết là: “Tôi đã đưa ra những dẫn chứng về sự sa sút bất thường của một số đội bóng, nhưng cuối cùng BTC giải chỉ nhận định ngắn gọn là “không phát hiện thấy tiêu cực!”.
Sau lộ trình phát triển quá “nóng”, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang bắt đầu giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Do đó, dư luận chờ đợi một kỳ tổng kết đầy không khí dân chủ, thẳng thắn và trí tuệ; mổ xẻ đến nơi đến chốn những khuyết tật, tồn tại và hoạch định được chiến lược phù hợp không chỉ cho mùa giải mới 2013 mà cả tương lai.
Đông Kha