Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên là một điểm sáng về xã hội hóa thể thao và sân chơi truyền thống duy nhất của bóng đá trẻ Đông Nam Á. Chính vì vậy, AFC đã đưa giải đấu này vào hệ thống thi đấu hàng năm của bóng đá trẻ châu Á.
Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên là một điểm sáng về xã hội hóa thể thao và sân chơi truyền thống duy nhất của bóng đá trẻ Đông Nam Á. Chính vì vậy, AFC đã đưa giải đấu này vào hệ thống thi đấu hàng năm của bóng đá trẻ châu Á.
Sự cố sân Pleiku bị vỡ trong trận chung kết giải U.21 quốc tế đã khiến “bầu” Đức phát “sốt”. Ảnh: T.L |
Không chỉ dừng lại ở các cuộc tranh tài trên sân cỏ giữa các cầu thủ U.21, giải còn có những hoạt động bên lề giao lưu giữa khách và chủ, giữa tất cả những người tham gia, đồng hành cùng sân chơi này. Hòa vào những hoạt động và chứng kiến sự hâm mộ nhiệt thành của khán giả Gia Lai trong 10 ngày qua, vị trưởng đoàn Sydney FC phải thán phục: “Australia có nhiều điều kiện hơn các bạn nhưng chúng tôi không thể tổ chức một giải đấu trẻ như thế này, nhất là lại do một tờ báo đứng ra tổ chức”.
Đáng tiếc, điểm sáng ấy năm nay lại có một kết thúc rất tối. Việc SVĐ Pleiku vỡ sân, cả ngàn khán giả (trong đó rất nhiều người có vé trong tay) phá cửa, xô đổ hàng rào, tràn xuống cả đường piste để lại hình ảnh đầy sợ hãi, kinh hoàng cho các vị khách. Trận chung kết diễn ra trong cảnh xanh mặt, “đánh lô tô” của BTC, chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể dẫn đến hỗn loạn, hậu quả khó lường. Không thể nói tình huống này là bất ngờ, không lường trước; bởi ở giải năm vừa qua, trận chung kết giữa U.21 Việt Nam và U.21 Iran cũng suýt xảy ra tình trạng vỡ sân. Rõ ràng, BTC địa phương đã quá chủ quan, bố trí lực lượng quá mỏng.
Giải còn để lại một vết đen khi trước đó, sau trận tranh hạng 3, cầu thủ trẻ 2 đội U.21 Thái Lan và Sydney lao vào nhau hỗn chiến mà lực lượng an ninh cũng phản ứng, can thiệp trễ tràng.
Tuy nhiên, gây u ám, hẫng hụt nhất cho đoạn kết của giải là việc đội U.21 đánh mất chính mình ở trận đấu cuối cùng quan trọng nhất, giữa chảo lửa và hy vọng ngùn ngụt của 2 vạn người hâm mộ Gia Lai. Buồn, thất vọng ở đây không phải vì mất chức vô địch mà là ở cách chơi của các cầu thủ trẻ. Các học trò SLNA (với 8/11 cầu thủ trong đội hình chính thức) của HLV Đinh Văn Dũng hoàn toàn không còn là chính mình so với 3 trận thắng với khí thế như chẻ tre trước đó. Sau trận đấu, tiền đạo trẻ Hà Minh Tuấn của Đà Nẵng công khai bày tỏ ấm ức: “Đội không đoàn kết, tôi không có bóng!”. Đáng sợ hơn, đằng sau một thất bại là sự hồ nghi, lại rơi vào các tài năng trẻ, những tuyển thủ U.23, quốc gia trong tương lai gần.
Càng đau hơn khi một lần nữa cũng hệt như ở lần lỡ “chiếc HCV SEA Games sau nửa thế kỷ” ở SEA Games 2009, đội tuyển U.23 Việt Nam ngày ấy cũng được đánh giá cao hơn hẳn (thắng dễ Malaysia 3-1 ở vòng bảng); cũng hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” (SVĐ quốc gia Lào phủ ngập màu đỏ).
Vừa mới trút nỗi ám ảnh về “con ngáo ộp” Thái Lan, giờ đây bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ đội tuyển lại đứng trước một rào cản tâm lý khác ở đấu trường khu vực mang tên người Mã. Lý giải cho nguyên nhân thất bại của các cầu thủ U.21 vừa qua là do bị “cóng chân” từ chính sự ủng hộ cuồng nhiệt, kỳ vọng quá lớn của các CĐV nhà (trong khi đối thủ vẫn tỉnh táo, đứng vững), cũng chính là sự so sánh và thừa nhận sự kém cỏi về mặt bản lĩnh của cầu thủ Việt Nam so với Malaysia. Và phải chăng đó cũng là khoảng cách trong cách làm, phương pháp đào tạo, phát triển của 2 nền bóng đá vốn có cùng xuất phát điểm và nhiều điểm tương đồng?
Trần Đỗ