Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về khu vực Nagorno - Karabakh đã bước qua ngày thứ 10. Mức độ leo thang ngày càng quyết liệt cho thấy cả hai bên dường như đang quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự.
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về khu vực Nagorno - Karabakh đã bước qua ngày thứ 10. Mức độ leo thang ngày càng quyết liệt cho thấy cả hai bên dường như đang quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự. Thực tế này cũng cho thấy vai trò trung gian hòa giải của các nước vẫn chưa phát huy được tác dụng.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố hôm 27/9 cho thấy binh sĩ nước này tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Azerbaijans Defense Ministry. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bày tỏ lo ngại về những diễn biến bạo lực tại khu vực Nagorno - Karabakh, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch. Trước đó, ông Putin cùng với Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Pháp đã ra tuyên bố chung kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn ngay lập tức. Lãnh đạo nhiều nước như Iran, Anh, Canada cũng kêu gọi hai bên ngừng bắn.
Trong khi đó, nhân chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ đồng minh Azerbaijan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu lại cho rằng một lệnh ngừng bắn hiện nay là không đủ. Theo ông, đã từng có một lệnh ngừng bắn kéo dài, nhưng rồi cả hai phá vỡ và đáp trả lẫn nhau. Về phần mình, Azerbaijan ra điều kiện chỉ ngừng bắn sau khi Armenia rút quân khỏi Nagorno - Karabakh, và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ được tham gia vào tiến trình đối thoại giữa các bên.
Sở dĩ việc trung gian hòa giải cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vẫn giậm chân tại chỗ là vì trên thực tế cả Mỹ, NATO hay EU đều đang có những mối bận tâm riêng, nên họ cũng không thể làm gì hơn ngoài việc lên tiếng yêu cầu hai bên ngừng bắn và đối thoại. Vì thế, sự chú ý đang hướng về Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước có lợi ích liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, Moskva và Ankara vẫn còn khác biệt trong cách tiếp cận để dập tắt đám lửa đang cháy dữ dội ở Nagorno - Karabakh.
Quốc Trung