Vào khoảnh khắc đầu tiên của năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã ra thông điệp Năm mới với những cam kết và quyết tâm đưa đất nước trở nên thịnh vượng và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Vào khoảnh khắc đầu tiên của năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã ra thông điệp Năm mới với những cam kết và quyết tâm đưa đất nước trở nên thịnh vượng và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (ảnh) tuyên bố nước này sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 31-1-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong thông điệp Năm mới đọc vào đêm Giao thừa tại nhà số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nội dung đầu tiên trong chương trình hành động của ông là hoàn tất ý nguyện bầu cử và đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - vào ngày 31/1/2020.
Ông Johnson nêu rõ: "Chúng ta có thể bắt đầu một chương mới trong lịch sử đất nước, trong đó chúng ta đoàn kết với nhau và cùng tiến tới, phát huy tiềm năng vô tận của người dân Anh. Chúng ta có thể trải qua năm 2020 tập trung vào những ưu tiên của người dân như thúc đẩy dịch vụ chăm sóc y tế quốc gia, nâng cấp các trường học, hỗ trợ giới nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc hơn, kiểm soát làn sóng nhập cư, đảm bảo trật tự trị an, làm sạch môi trường và trở thành một Vương quốc Anh vững mạnh hơn."
Tại Italy, Tổng thống Sergio Mattarella cho rằng nước này cần tự tin hơn và tăng cường gắn kết xã hội.
Trong thông điệp Năm mới đọc vào đêm Giao thừa, Tổng thống Mattarella cho biết xã hội Italy đang trải qua nhiều khó khăn và rạn nứt, và chưa thể tạo ra điều kiện để phát huy mọi nguồn lực.
Người đứng đầu nhà nước Italy đề cập tới một số vấn đề hiện nay của đất nước như tỷ lệ thất nghiệp cao, gia tăng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội...
Tổng thống Mattarella nêu rõ: "Chúng ta cần phải có nguồn lực phong phú để giải quyết những vấn đề này và đóng vai trò quan trọng trong châu Âu và cộng đồng quốc tế."
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Italy cũng nhấn mạnh với vai trò và giá trị của các thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tại châu Á, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong thông điệp Năm mới nhấn mạnh rằng Singapore được hưởng lợi lớn từ xu thế toàn cầu hóa và nước này cần phải tiếp tục mở cửa và kết nối với thế giới.
Ông nêu rõ: "Một Singapore thu mình thì không thể tồn tại được."
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc người dân Ấn Độ một năm mới vui vẻ, sức khỏe, thịnh vượng, đạt mọi mong ước.
Ông bày tỏ hy vọng năm 2020 sẽ là năm người dân Ấn Độ tiếp tục nỗ lực làm thay đổi đất nước.
Tại Sri Lanka, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa khẳng định chính phủ của ông cam kết biến năm 2020 thành một năm thịnh vượng và đón chào Năm mới với những quyết tâm và cam kết.
Trong thông điệp Năm mới, Tổng thống Rajapaksa nêu rõ nước này cần đặt mục tiêu đẩy mạnh kinh tế vào năm 2020 vì một nền kinh tế vững chắc và bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu đối của người dân nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa nêu rõ: "Thế giới công nhận thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á. Chúng ta nên làm cho thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 bắt đầu vào ngày 1-2-2020 là thập kỷ của Sri Lanka."
Tại Fiji, Thủ tướng Voreqe Bainimarama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, cho rằng nếu cộng đồng thế giới không hành động quyết liệt về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì những cơn bão đổ bộ mà Fiji từng trải qua sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những năm tới.
Đây là một thực tế không thể chấp nhận được đối với Fiji, các đảo quốc Thái Bình Dương láng giềng cũng như các quốc gia và dân tộc trên Trái Đất./.
(TTXVN/Vietnam+)