Lo ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran ngay trên đất nước mình, Iraq đã yêu cầu quân đội "nước ngoài" rời khỏi nước này và khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc Mỹ tiến hành các vụ không kích bên trong lãnh thổ Iraq, trong đó có vụ giết chết Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Lo ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran ngay trên đất nước mình, Iraq đã yêu cầu quân đội “nước ngoài” rời khỏi nước này và khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc Mỹ tiến hành các vụ không kích bên trong lãnh thổ Iraq, trong đó có vụ giết chết Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Xe ô tô bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3-1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vụ việc có khiến quan hệ giữa Iraq và Mỹ đổ vỡ? Câu trả lời vẫn chưa thật rõ ràng. Bởi trên thực tế, kể từ sau khi mang quân đến Iraq lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, Mỹ đóng vai trò quan trọng tại Iraq. Mỹ và các đồng minh NATO vẫn duy trì hàng ngàn binh lính ở quốc gia Vùng vịnh này làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện cho lực lượng vũ trang Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh cho đất nước.
Sau vụ quân đội Mỹ “ám sát” Tướng Soleimani, Iran đã treo “cờ máu” và tuyên bố sẽ trả thù, thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa Iran và Mỹ tại Iraq và có khả năng “cháy lan” ra cả khu vực Trung Đông. NATO tuyên bố tạm dừng sứ mệnh huấn luyện tại Iraq để đảm bảo an toàn cho lực lượng. Trong khi đó, Quốc hội Iraq đã họp và thông qua nghị quyết yêu cầu quân đội nước ngoài rời khỏi nước này. Tuy vậy, nghị quyết này không có tính ràng buộc như một đạo luật.
Vẫn rất khó để xác định rằng Mỹ có rút quân khỏi Iraq theo đề nghị của Baghdad hay không, nhưng vụ giết chết Tướng Soleimani tại Baghdad chắc chắn sẽ mở ra một bước ngoặt trong quan hệ giữa Mỹ với Iraq và Iran, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến bàn cờ địa chính trị Trung Đông.
Quốc Trung