Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung Quốc bí mật lắp hệ thống gây nhiễu rađa ở Trường Sa

10:04, 11/04/2018

Bắc Kinh được cho đã lắp đặt hệ thống gây nhiễu điện tử trên đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập trong vòng 90 ngày qua, một động thái nhằm củng cố năng lực quân sự tại Trường Sa và đối phó các hoạt động của Mỹ.

Bắc Kinh được cho đã lắp đặt hệ thống gây nhiễu điện tử trên đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập trong vòng 90 ngày qua, một động thái nhằm củng cố năng lực quân sự tại Trường Sa và đối phó các hoạt động của Mỹ.

Ảnh chụp vệ tinh của DigitalGlobe cho thấy một vật thể có ăngten dựng đứng được đánh giá là thiết bị gây nhiễu rađa trên Đá Vành Khăn - Ảnh: CSIS
Ảnh chụp vệ tinh của DigitalGlobe cho thấy một vật thể có ăngten dựng đứng được đánh giá là thiết bị gây nhiễu rađa trên Đá Vành Khăn - Ảnh: CSIS

Ảnh chụp vệ tinh của DigitalGlobe cho thấy một vật thể có ăngten dựng đứng được đánh giá là thiết bị gây nhiễu rađa trên Đá Vành Khăn - Ảnh: CSIS

Một quan chức làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ với báo Wall Street Journal (Mỹ) rằng Bắc Kinh gần đây đã lắp đặt trên 2 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thiết bị có khả năng gây nhiễu các hệ thống quét rađa và liên lạc.

"Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu quân sự tới các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa" - vị quan chức giấu tên cho biết vào ngày 9-4.

Động thái này được đánh giá sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực bảo vệ các đảo nhân tạo mà theo các chuyên gia là đang được quân sự hóa đáng kể, và đối phó hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực.

Theo Wall Street Journal, hệ thống gây nhiễu trên có thể được nhìn thấy trong một bức ảnh vệ tinh được Công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe (Mỹ) chụp hồi tháng 3 và gửi cho tờ báo này.

Bức ảnh cho thấy một hệ thống gây nhiễu đáng nghi với ăngten được triển khai trên Đá Vành Khăn - một trong các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cải tạo và xây nhiều công trình kiên cố.

Khi sóng rađa của đối phương bị các thiết bị thế này chặn phá hoặc gây nhiễu, đối phương sẽ không thể phát hiện vị trí, kích thước… của các mục tiêu trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.

"Trong khi Trung Quốc khăng khăng việc xây dựng các đảo nhân tạo là nhằm đảm bảo an toàn trên biển, hỗ trợ ngành hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ ngư trường cùng những chức năng phi quân sự khác, thì chính hệ thống gây nhiễu điện tử này lại chỉ được dùng cho mục đích quân sự" - vị quan chức Mỹ chỉ trích.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa phản hồi với yêu cầu bình luận.

Thông tin trên được công bố giữa bối cảnh Hải quân Mỹ thời gian qua liên tục điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp. Động thái của Washington được đánh giá nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trong khu vực và việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo này.

Gần nhất, hôm 23-3, Hải quân Mỹ đã triển khai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nằm một phần trong chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) của Washington.

Theo tình báo Mỹ, hệ thống gây nhiễu trên đã được triển khai trong vòng 90 ngày qua trên 2 thực thể là Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Như vậy, rõ ràng lúc Mỹ điều tàu khu trục USS Mustin tới áp sát Đá Vành Khăn, hệ thống gây nhiễu trên đã hiện diện trên thực thể này.

Giới chức Mỹ cho biết trong khi quân nhân Trung Quốc hiện có mặt trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa và tàu thuyền nước này cũng neo đậu tại đây, Bắc Kinh vẫn chưa điều động các đơn vị lục quân hay máy bay chiến đấu tới.

Các hệ thống tên lửa đất đối không hay tên lửa chống hạm cũng chưa được triển khai tới các đảo nhân tạo ở Trường Sa mặc dù các địa điểm để lắp đặt những vũ khí này đã được "dọn ổ" sẵn.

Ba trong số 7 đảo nhân tạo bị Trung Quốc tôn tạo ở Trường Sa là Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xubi hiện đã có đường băng dài tới 3.000m, các nhà chứa máy bay chiến đấu, kho chứa đạn dược, cầu cảng nước sâu để tàu neo đậu,…

"Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống hạ tầng đồ sộ, rõ ràng và chỉ để tăng cường các năng lực quân sự tiên tiến mà có thể triển khai tới các căn cứ này trong thời gian ngắn" - đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo hồi tháng trước.

Theo TTO

Tin xem nhiều