Cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đối phó với các nguy cơ từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng Boko Haram.
Cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đối phó với các nguy cơ từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng Boko Haram.
Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Barzan, tỉnh Nineveh, Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu ngày 13/11 tại cuộc gặp Tổng thống Guinea Alpha Conde ở thủ đô Amman, Quốc vương Jordan Abdullah II nhấn mạnh các nước phải hợp tác cùng nhau chặt chẽ hơn nữa để đối phó với các nguy cơ đe dọa khu vực và thế hệ trẻ. Nhà lãnh đạo Jordan khẳng định IS và Boko Haram thực sự là những "vấn đề mang tính toàn cầu."
Với việc lần thứ hai đăng cai hội nghị này trong năm nay, Jordan đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng nước này cam kết chống IS và đóng góp vào thành công tại các khu vực được giải phóng khỏi tay các phần tử khủng bố. Giới chức Jordan nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của giành chiến thắng trên thực địa, từ đó tác động tới các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cùng các nỗ lực tái thiết và chính trị. Jordan khẳng định sẵn sàng tham gia vào công cuộc tái thiết Iraq.
Trong một diễn biến khác, liên quan cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố quân đội Mỹ sẽ chống IS đến cùng, ám chỉ về một vai trò lâu dài của Mỹ sau khi liên quân và quân đội chính phủ Syria giành lại nhiều vùng lãnh thổ IS từng chiếm đóng trước đây.
Bộ trưởng Mattis cho biết thêm, mục tiêu dài hạn của quân đội Mỹ là ngăn chặn sự trở lại của IS thế hệ thứ 2 ("ISIS 2.0"). Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực kiến tạo hòa bình lâu dài, đồng thời khuyến khích các lực lượng Mỹ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp ngoại giao tại Syria - quốc gia đã bước sang năm thứ 7 chìm trong nội chiến./.
(TTXVN/VIETNAM+)