Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria - Staffan de Mistura ngày 24/3 kêu gọi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cần tích cực hơn trong vai trò bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang tái diễn tại quốc gia Trung Đông này.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria - Staffan de Mistura ngày 24/3 kêu gọi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cần tích cực hơn trong vai trò bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang tái diễn tại quốc gia Trung Đông này.
Khung cảnh hoang tàn ở Aleppo sau những đợt không kích. (Nguồn: AP) |
Ông Mistura đã đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh vòng hòa đàm thứ 5 giữa chính phủ và phe đối lập Syria, đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ chưa đạt được tiến bộ nào.
Ông Mistura bày tỏ hy vọng ba nước bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria nói trên sẽ nhanh chóng tiến hành cuộc gặp mới tại Astana, Kazakhstan nhằm tăng cường hiệu quả cơ chế giám sát và củng cố lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ tháng 30/12/2016, từ đó kiểm soát tình hình an ninh đáng lo ngại hiện nay tại Syria.
Đầu tuần qua, các tay súng đối lập tại Syria đã tiến hành một cuộc tấn công mới vào cửa ngõ thủ đô Damascus ở phía Đông Bắc, sau khi bị các lực lượng chính phủ đẩy lùi trong cuộc tấn công 2 ngày trước đó. Đây được xem là chiến dịch tấn công lớn nhất của phe đối lập ở Syria trong nhiều tháng qua.
Theo đánh giá của ông Mistura, 3 vòng hòa đàm nhằm củng cố lệnh ngừng bắn ở Syria diễn ra ở Astana từ tháng 1/2017 đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc xung đột ở quốc gia bất ổn này.
Trước đó, vòng đàm phán thứ 3 ở Kazakhstan giữa các bên liên quan cuộc khủng hoảng tại Syria kết thúc ngày 15/3 với tuyên bố chung, trong đó quyết định tổ chức vòng đàm phán cấp cao tiếp theo tại Astana vào ngày 3-4/5 và nhất trí tiến hành tham vấn trước ở cấp chuyên gia tại Tehran (Iran) trong các ngày 18-19/4.
Vòng hòa đàm tại Astana được xem là nhân tố bổ sung và củng cố cho các cuộc hòa đàm tại Geneva, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, với tư cách là nhà trung gian hòa giải vòng hòa đàm Syria đang diễn ra tại Geneva, ông Mistura bày tỏ hy vọng vòng hòa đàm lần này đạt được "bước tiến cụ thể."
Đại diện Liên hợp quốc khẳng định ông không trông đợi "điều kỳ diệu" hay "sự đột phá" cũng như "bước thụt lùi" trong tiến trình hòa đàm này. Nghị trình vòng hòa đàm lần này tập trung thảo luận 4 chủ đề: xây dựng hiến pháp mới, bầu cử, quản trị nhà nước và chống khủng bố.
Hiện Đặc phái viên Mistura đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giữa các bên xung đột ở Syria nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ tại châu Âu hiện nay./.