Báo Đồng Nai điện tử
En

Gần 1.000 người vượt biên vào châu Âu được cứu ngoài khơi Libya

02:03, 03/03/2017

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết ngày 2/3, khoảng 970 người di cư đã được cứu ngoài khơi Libya trong bối cảnh dòng người tìm cách vượt Địa Trung Hải trái phép để tới châu Âu không ngừng gia tăng.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết ngày 2/3, khoảng 970 người di cư đã được cứu ngoài khơi Libya trong bối cảnh dòng người tìm cách vượt Địa Trung Hải trái phép để tới châu Âu không ngừng gia tăng.

Người di cư chờ được cứu trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư chờ được cứu trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những người di cư nói trên chen chúc trong bốn chiếc xuồng cao su, một thuyền gỗ và một con thuyền lớn khác. Họ được giải cứu trong các chiến dịch cứu trợ theo chỉ đạo từ cơ quan giám sát biên giới Liên minh châu Âu (EU) Frontex, được tiến hành dưới sự phối hợp của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cùng một tàu lớn của Na Uy, hai tàu cứu trợ nhân đạo của tổ chức SOS Địa Trung Hải, Tổ chức Bác sỹ Không biên giới và tổ chức "Những vòng tay rộng mở" của Tây Ban Nha.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy còn cho biết sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của một thuyền buồm chở khoảng 85 người di cư khởi hành từ Hy Lạp đang trong hành trình tới miền Nam Italy, một tàu của Malta đã tới ứng cứu và đưa những người này đến cảng Kalamata, miền Nam Hy Lạp.

Kể từ đầu năm 2017 đến trước ngày 2/3, đã có hơn 13.400 người di cư tới các bờ biển của Italy, tăng từ 50% đến 70% so với cùng kỳ năm 2016 và 2015. Trong khi đó, Liên hợp quốc công bố số liệu cho thấy hơn 440 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hai tháng đầu năm nay khi rời Libya, liều mình vượt biển giữa cái lạnh buốt của mùa Đông.

Sáu năm sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, Libya vẫn chìm trong nội chiến, do đó, người dân nước này đã và đang ồ ạt tìm đường tới châu Âu với hy vọng mong manh về một tương lai tươi sáng hơn.

Trong khi đó, những nỗ lực của giới chức "Lục địa Già" nhằm phong tỏa tuyến đường di cư qua Hy Lạp được cho là nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng dòng người di cư đến Italy, hầu hết đều xuất phát từ phía Tây Libya - nơi chỉ cách bờ biển Italy khoảng 300km.

Các quốc gia châu Âu đang cân nhắc những biện pháp mới để có thể ngăn chặn dòng người di cư này, song các tổ chức nhân đạo lại lo ngại những người mắc kẹt ở Libya có thể bị ngược đãi.

Cùng ngày, Thị trưởng thành phố Calais, miền Bắc nước Pháp, bà Natacha Bouchart, đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức cứu trợ địa phương về các quy định ngăn chặn hoạt động phân phát đồ ăn miễn phí cho người những người di cư xung quanh khu vực lán trại tị nạn "Jungle" trước đây.

Tuy nhiên, bà Bouchart cho rằng quyết định của văn phòng thị trưởng Calais không nhằm cấm đoán việc phân phát đồ ăn mà nhằm ngăn cản hoạt động tụ tập của người di cư gần khu vực lán trại trên, vốn đã bị nhà chức trách phá dỡ hồi tháng 10 năm ngoái. Bà cũng nhấn mạnh thêm quyết định trên là nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, hạn chế các vấn đề về rác thải, cũng như đảm bảo "không có thêm bất kỳ khu lều trại tạm bợ nào được dựng lên" xung quanh thành phố Calais.

Bất chấp lời giải thích của người đứng đầu thành phố này, hai tổ chức nhân đạo địa phương hỗ trợ người di cư vẫn tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên tòa án, để phản đối quyết định trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin xem nhiều